Đến cột số 22 Quốc lộ 62, du khách bất ngờ trước cổng “Làng nghề trồng mai” xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Thế mới lạ, có hẳn một “làng nghề trồng mai” trên vùng đất xưa kia ngập phèn nơi rốn lũ vùng Đồng Tháp Mười quả xưa nay hiếm.
Từ lãnh địa tràm gió...
Vào cuối thế kỷ 20, những ai hơn một lần có dịp từ thị xã Tân An nay là thành phố Tân An (tỉnh Long An) theo đường tỉnh lộ 49, nay nâng cấp thành Quốc lộ 62, đến cầu Bắc Đông thuộc địa phận huyện Thủ Thừa dài lên ngã ba Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa rất ấn tượng với những lò nấu dầu tràm gió hai bên con đường bụi mù đất đỏ.
Trước giải phóng, từ Tân An lên vùng Đồng Tháp Mười qua huyện Thạnh Hóa - Tân Thạnh - Mộc Hóa - thị xã Kiến Tường tới Vĩnh Hưng - Tân Hưng không có đường bộ. Mọi di chuyển đều bằng đường sông Vàm Cỏ Tây.
Thập kỷ 80 (thế kỷ 20) đời ông Chín Cần (từ trần 2016) làm Bí thư Tỉnh ủy Long An đã huy động sức dân lao động thủ công đào kinh lấy đất đắp thành đường rồi lên Miền Đông vận chuyển sỏi đỏ về rải mặt lộ hình thành tuyến đường tỉnh 49 xuyên Đồng Tháp Mười. Thạnh Hóa nằm trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, hàng năm lũ về cộng với triều cường từ sông Vàm Cỏ Tây tràn lên ngập đồng.
Do cấu tạo trầm tích phèn lạnh, đa phần diện tích sản xuất nông nghiệp dọc Vàm Cỏ Tây của Thạnh Hóa trong đó có xã Tân Tây bị nhiễm phèn nặng phù hợp với cây tràm gió dùng chiết xuất tinh dầu tràm. Thời ấy, dân từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định... cũng vào Tân Tây dựng lò nấu dầu tràm.
Vì thế, người ta gọi Tân Tây và một số xã cặp Quốc lộ 62 là lãnh địa tràm gió là vậy. Ngoài tràm gió, nông dân ở đây còn trồng cây tràm cừ sử dụng trong việc xử lý nền móng xây dựng nhà và cầu đường ở những nơi thân đất yếu không thua cọc xi măng hoặc tre gai ở các tỉnh miền Bắc. Nhiều nông hộ ở Thạnh Hóa tận dụng việc khai phá đất hoang hình thành những trang trại trồng tràm cừ diện tích 100 ha.
Thập kỷ 90 (thế kỷ 20), tỉnh Long An tổ chức “Tiến quân khai thác tổng hợp” tiềm năng Đồng Tháp Mười”, xây dựng các công trình thủy lợi thau chua rửa phèn, mở đường giao thông... cây tràm gió Tân Tây nhường chỗ cho cây lúa, khoai mỡ, mía, khóm... Giờ đây Tân Tây có thêm cây mai vàng làm đẹp cho một Nông thôn mới bên Vàm Cỏ Tây.
...Đến làng nghề trồng mai
Ngày cuối năm, trước mặt chúng tôi là cánh đồng trồng mai xã Tân Tây trải dài ra mé sông Vàm Cỏ Tây. Các ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban và Phạm Văn Trong, Phó ban Ban Quản lý làng nghề trồng mai xã Tân Tây niềm nở kể về câu chuyện khởi nghiệp nghề trồng mai trên đất ngập phèn ở xã mình.
Ấy là, cách nay một con giáp rưỡi, anh thanh niên Trần Văn Thống trong một lần xuống tỉnh Bến Tre ăn đám giỗ thấy nông dân Bến Tre không chỉ làm giàu từ cây ăn trái và sản xuất các loại cây giống mà còn trồng cây kiểng (cảnh) nổi tiếng. Trong các loại cây kiểng người Bến Tre kinh doanh, anh Thống bị cây mai vàng hớp hồn.
Vốn là người có nghề sữa chữa cơ khí máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, Trần Văn Thống chú ý quan sát cách chọn hạt mai để ươm giống, cách cho cây ăn phân và không quên hỏi về thổ nhưỡng trồng mai... Chưa bằng lòng, nhiều lần anh thanh niên Trần Văn Thống âm thầm trở lại Bến Tre tìm đến những nhà vườn trồng mai có tiếng tiếp tục ‘tầm sư học đạo”.
Sau khi nắm tương đối vững kiến thức cùng kinh nghiệm trồng loại cây trong năm chỉ ra hoa một lần nhưng thu bộn tiền, anh Thống quyết định thử thời vận, đột phá cải tạo toàn bộ một ha đất lúa cha mẹ chia khi lấy vợ ra riêng để khởi nghiệp nghề trồng mai. Nhờ chăm sóc bài bản, sau 4 năm với 2.000 gốc mai khởi nghiệp xuất bán tại vườn cho thương lái lên mua, anh Thống ẵm trọn 500 triệu đồng. Tiền bán mai, anh Thống mua tiếp một ha liền kề, mở rộng diện tích mai lên 2 ha, trồng mật độ 2.000 gốc/ha.
Trong lúc say sưa kể chuyện người khởi nghiệp đưa cây mai về làm giàu bên sông Vàm Cỏ Tây, ông Hoàng thổ lộ: “Đang ăn nên làm ra từ mai vàng, tháng 10 năm 2018, trong một cơn bạo bệnh, Thống qua đời, để lại 4.000 gốc mai”. Sau khi anh Thống qua đời, cha Thống là ông Trần Văn Vị thay con quản lý, chăm sóc vườn mai của Thống.
Đồng thời, ông Vị cũng chuyển toàn bộ số đất ruộng của vợ chồng ông lên liếp trồng mai. Đợi nén nhang tôi thắp trên bàn thờ đặt di ảnh anh Thống cháy tàn, ông Vị xúc động cầm tay tôi ra vườn mai trước cửa nhà người quá cố. Ngồi dưới gốc mai lái đang trả 1, 2 tỷ đồng do chính tay anh Thống chăm sóc nhiều năm trường, ông Vị ngậm ngùi: “Nếu Thống còn sống, hàng năm thu hàng tỷ đồng từ cây mai vàng”.
Theo tiết lộ của ông Vị, hiện trong vườn của anh Thống có 2 gốc mai trị giá 1,2 tỷ đồng mỗi gốc nhưng ông chưa bán.
Sau khi anh Trần Văn Thống đưa cây mai vàng về trồng đem lại nguồn lợi kinh tế vượt trội, năm 2015 nông dân ở xã Tân Tây tìm đến vườn mai của anh Thống tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng mai chuyển đổi từ đất trồng khóm, khoai mỡ, được anh tận tình hướng dẫn. Đến cuối năm 2020, nông dân Tân Tây đã trồng 184 ha mai vàng. Sau 3 năm rưỡi chăm sóc (bằng thời gian 5 vụ lúa), thương lái dưới Miền Tây, trên Sài Gòn xuống tận vười tìm mua, lợi nhuận mỗi ha mai đạt 3 tỷ đồng, cao gấp 300 lần trên cùng diện tích so với cây lúa.
Ông Lê Văn Lợi. Phó Bí thư Đảng ủy kiêm trưởng khối vận xã Tân Tây nói: “Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều năm nay lũ rất thấp, mùa khô đồng ruộng bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng ngắn ngày, việc nông dân tạo phong trào chuyển đổi cây trồng cho lợi nhuận cao và bền vững là bước đi phù hợp đối với xã Tân Tây chúng tôi!”.
Từ phong trào chuyển đổi sang cây mai vàng hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm và làm giàu bền vững, tháng 7/2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An ban hành Quyết định công nhận nghề trồng mai ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là làng nghề trồng mai. Sau khi làng nghề trồng mai ra đời, Hội Sinh vật cảnh Long An lên Tân Tây tập hợp những nông dân trồng mai giỏi thành lập “Câu lạc bộ nghệ nhân mai vàng”. Câu lạc bộ có nhiệm vụ tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, tạo thế, tìm đầu ra cho cây mai...
Để tạo điều kiện cho hội viên Hội Cựu chiến binh Tân Tây hợp tác phát triển sản xuất, làm giàu từ nghề trồng mai, xây dựng Làng nghề, trước đòi hỏi của hội viên cựu chiến binh xã Tân Tây, tháng 9/2020 Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An quyết định thành lập “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh - cựu quân nhân phát triển kinh tế” từ cây mai vàng, bước đầu quy tụ 20 hội viên, ông Nguyễn Văn Hoàng nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh - Trưởng ban Quản lý Làng nghề làm Chủ nhiệm CLB.