Xã hội

Làng mai Thế Chí Tây vào vụ Tết

Nghĩa Văn 13/12/2024 16:08

Người dân ở làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang chủ động tỉa lá để cây mai tập trung chất dinh dưỡng phát triển nụ, nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chủ động tỉa lá để mai vàng nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán

Làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề mai cảnh vào cuối năm 2018.

Tháng 12/2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Làng nghề truyền thống mai cảnh Thế Chí Tây”. Hiện nay, Làng nghề mai cảnh đang được phát triển và ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

mai-vang-the-chi-tay-1.jpg
Làng Thế Chí Tây được công nhận là Làng nghề Mai cảnh vào cuối năm 2018. Ảnh: N.V.

Bà Trịnh Thị Long (64 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây) chia sẻ, vào tháng 11, 12 âm lịch hằng năm, người dân sẽ tiến hành tỉa lá cho cây mai. Công đoạn này được thực hiện hoàn toàn thủ công.

“Làm vậy để cây tập trung dinh dưỡng phát triển nụ, nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Lúc này đa phần lá mai cũng đã già nên chỉ cần cầm và bẻ nhẹ theo hướng ngược lại là được. Nói vậy chứ cũng phải cẩn thận vì, nhiều lá còn xanh, bám chắc vào thân, tỉa không khéo dễ bị gãy cành hoặc làm xước thân cây gây mất nụ, mất thẩm mỹ”, bà Long cho hay.

mai-vang-the-chi-tay-2.jpg
Bà Trịnh Thị Long tiến hành tỉa lá cho cặp mai vàng trồng trước ngõ. Ảnh: N.V.

Còn theo ông Văn Công Bình (64 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây), những người nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc mai cảnh có thể dễ dàng nhận biết thời điểm tỉa lá, đảm bảo cây nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

“Để biết khi nào có thể tỉa lá thì phải đoán định thời sắp tới nắng ấm hay mưa lạnh và xem xét nụ hoa. Nếu thời tiết mưa lạnh dài ngày và nụ còn bé thì có thể tỉa lá sớm hơn. Ngược lại, gặp năm ấm áp, nụ hoa kết sớm thì sẽ tỉa lá muộn hơn chút, khi đó, cây phải phân tán chất dinh dưỡng để nuôi lá khiến nụ phát triển chậm lại và hoa cũng nở đúng dịp Tết hơn”, ông Bình chia sẻ.

mai-vang-the-chi-tay-3.jpg
Thời điểm tỉa lá mai vàng phụ thuộc vào thời tiết và sự phát triển của nụ hoa. Ảnh: N.V.

Cũng với kinh nghiệm của mình, ông Bình nhìn nhận, năm nay phần lớn cây mai của gia đình ông nói riêng và ở làng Thế Chí Tây nói chung sẽ nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Ông Bình thông tin thêm: “Khoảng giữa tháng 12 âm lịch hằng năm, khách hàng ở nhiều nơi sẽ tìm đến đây để mua hoa mai về trưng bày Tết, khiến không khí trong làng nhộn nhịp hơn. Ở làng này, nhiều nhà từng bán một cây mai mà thu về cả trăm triệu đồng”.

mai-vang-the-chi-tay-4.jpg
Làng Thế Chí Tây thường được khách hàng nhiều nơi tìm về mua mai vàng, nhất là những cây hàng chục năm tuổi. Ảnh: N.V.

Trồng mai vàng - sinh kế của người làng Thế Chí Tây

Ông Nguyễn Đăng Sử (41 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây) cho hay, hoa mai vàng ở đây có 5 cánh, tươi tắn, đều đặn, tỏa mùi thơm và được khách hàng ở khắp mọi nơi ưa chuộng, tìm đến mua về chơi, trưng bày, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm qua, nhiều người dân trong làng Thế Chí Tây đã bán mai vàng với giá lên đến cả trăm triệu đồng/cây.

mai-vang-the-chi-tay-5.jpg
Một cây mai hàng chục năm tuổi của ông Văn Công Bình. Ảnh: N.V.

Từng bán cây mai vàng với giá 100 triệu đồng, ông Nguyễn Đăng Côi (63 tuổi, trú tại làng Thế Chí Tây) chia sẻ, đa phần những cây có giá “khủng” đều đã hàng chục, hàng trăm năm tuổi và hiện không còn nhiều.

“Mấy năm trở lại đây, tôi và nhiều gia đình trong làng chuyển sang ươm trồng và bán những cây khoảng 5 năm tuổi. Giá tùy theo từng năm và tùy theo cây, tuy vậy, có năm tôi vẫn bán được hơn 200 triệu tiền mai vàng. Nhờ có vườn cây này mà gia đình tôi nuôi được 4 đứa con ăn học đàng hoàng”, ông Côi cho biết.

mai-vang-the-chi-tay-6.jpg
Người dân hình thành những vườn ươm trồng để sẵn sàng cung ứng cây mai vàng ra thị trường. Ảnh: N.V.

Ông Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự chủ động của người dân, đến nay, Làng nghề Mai cảnh Thế Chí Tây đang ngày càng phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện, tại làng Thế Chí Tây có khoảng 600 hộ với trên 700 lao động tham gia trồng mai, trong đó, hơn 150 hộ trồng từ 200 - 300 cây, ước tính toàn xã có khoảng trên 300 nghìn cây mai lớn nhỏ.

Trong làng có 15 hộ gia đình ươm mai giống, hàng năm xuất bán với số lượng trên 10.000 cây, giá mỗi cây từ 15 - 20 nghìn đồng/cây; số lượng mai từ 5 - 15 năm tuổi đã xuất bán từ 150 - 200 cây/năm với giá giao động từ 10 - 300 triệu đồng.

Đặc biệt, theo ông Đặng Văn Quang, trong năm 2023, có một số hộ gia đình ở làng Thế Chí Tây đã bán được mai vàng với giá 500 triệu đồng 1 cây, nâng tổng số tiền thu nhập từ cây mai lên đến 3,5 tỷ đồng. Ước tính, nghề trồng mai đã mang lại thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

mai-vang-the-chi-tay-7.jpg
Mai vàng được trồng trên vỉa hè của tuyến đường ở làng Thế Chí Tây. Ảnh: N.V.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của làng nghề, tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đào tạo, bồi dưỡng nghệ nhân tham gia làng nghề, có các chính sách ưu đãi thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống”, ông Đặng Văn Quang thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng mai Thế Chí Tây vào vụ Tết