Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào nền nếp đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền xem xét các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, đoàn thể và nhân dân đã góp phần giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã thành lập hơn 1.000 đoàn giám sát; tổ chức giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét hơn 2.700 văn bản; phối hợp với HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ngành liên quan tổ chức hơn 3.250 cuộc giám sát về các lĩnh vực như: Chính sách đối với người có công với cách mạng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; việc quản lý, sử dụng các nguồn huy động sự đóng góp của nhân dân; vệ sinh an toàn thực phẩm; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ đã phát hiện, kiến nghị với các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, tại cơ sở, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện quy chế dân chủ, kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong 5 năm qua, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức gần 3.500 cuộc giám sát, qua đó, kiến nghị chính quyền cơ sở xử lý nhiều vụ việc sai phạm, góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng.
Song song với hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức góp ý, phản biện hơn 1.100 văn bản. Nhiều ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được các cơ quan soạn thảo đồng tình, tiếp thu, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi, phù hợp thực tiễn. Song song với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, việc tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử và tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ các cấp ngày càng có nhiều tiến bộ và đổi mới. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được phản ánh tới Đảng, Nhà nước, thông qua đó, tổ chức Mặt trận đã thể hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 55 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn, MTTQ các cấp đã tham mưu với cấp ủy tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ, đối thoại theo chuyên đề và đối thoại đột xuất khi cần thiết. Đến nay, 9/9 huyện, thành phố đã tổ chức các hội nghị đối thoại đạt kết quả tốt; nhiều đơn vị cấp huyện có 100% xã, phường, thị trấn tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất theo chuyên đề. MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức được được 7 hội nghị để Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại trực tiếp với đại diện nhân dân, công nhân lao động, đoàn viên, thanh niên.
“Qua các hội nghị đối thoại trực tiếp ở các cấp, nhiều vấn đề cụ thể, những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được lắng nghe, được giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”- ông Nguyễn Tuấn Khanh khẳng định.
Trong nhiệm kỳ tới, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Mặt trận sẽ chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; phối hợp triển khai đồng bộ hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân để nắm bắt tư tưởng, tình hình nhân dân và giải quyết những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở.