“Nâng cao hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là năm 2020 sẽ diễn ra đại hội Đảng bộ cấp cơ sở”- là vấn đề được nhiều đại biểu kiến nghị tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ngày 6/1.
Về hoạt động của Đoàn ĐBQH trong năm 2020, ông Lê Hồng Phú - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm, kiến nghị làm sao để mỗi kỳ tiếp xúc cử tri có chất lượng, nhiều ý kiến góp ý để các ĐBQH có thể lắng nghe nhiều ý kiến của cử tri. Qua đó nắm tâm tư nguyện vọng của cử tri để kiến nghị tới Quốc hội, có như vậy hoạt động của Quốc hội mới mang hơi thở của cuộc sống, nhất là những vấn đề mới, nóng của đất nước. Vì ý kiến đề xuất của cử tri sẽ góp thêm giải pháp cho mỗi ĐBQH để kiến nghị tới Quốc hội trong quyết định các vấn đề. Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, khi tiếp nhận các ý kiến phản ánh của các ĐBQH chuyển đến, các cơ quan chức năng cần cố gắng giải quyết cho người dân. Vì đó đều là những vấn đề bức xúc được cử tri phản ánh với ĐBQH. “Tránh việc để người dân chờ đợi, kiến nghị nhiều lần, đồng thời cần tăng cường để ĐBQH tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú và nơi công tác để ĐBQH có thể nắm được tâm tư nguyện vọng của cử tri”- đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Lan.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng năm 2019 cả nước đã giành được nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp quan trọng của TP Hà Nội và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng như các ĐBQH của đoàn trong tham gia góp ý kiến với Quốc hội về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn những hạn chế. ĐBQH là do cử tri bầu ra thì phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đoàn ĐBQH cần tổng hợp tốt hơn nữa những kiến nghị của cử tri, có văn bản đôn đốc. Những sở, ngành, quận, huyện chưa trả lời cần nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Hoàng Trung Hải cũng đề nghị cần cải tiến trong quá trình góp ý kiến xây dựng luật, ĐBQH bấm nút thông qua nhưng ở dưới than vướng là có trách nhiêm của ĐBQH. Cho nên, ĐBQH cần nắm rõ pháp luật, hiểu rõ trước khi bấm nút thông qua, tránh việc thông qua luật nhưng dân kêu “luật trên trời, còn dân ở dưới đất”. Như thế mới là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.