Mặc dù đã có nhiều quy định siết chặt dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn đang nở rộ. Trong đó, không ít giáo viên đang dạy thêm chính học sinh trên lớp chính khóa của mình. Làm sao để lành mạnh hóa hoạt động này?
Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy
Với lịch học luân phiên nghỉ thứ 4, Chủ nhật, học thứ 2, 3, 5, 6, 7, đã 4 năm nay chị Nguyễn Lê Ngọc (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tuần nào cũng cho con học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm 1 ngày, từ 8h sáng tới 5h chiều. Dù cô giáo không gợi ý hay bắt buộc song hầu như cả lớp chỉ trừ 3, 4 bạn không đi học thêm, còn lại hơn 50 bạn trong lớp đều tham gia.
“Xác định gửi cô giáo trông con là chính, tôi cũng không kỳ vọng con học được gì nhiều ở buổi học thêm này. Do chương trình Toán lớp 4 nặng hơn so với những năm trước nên năm nay, ngoài lớp học thêm này con tôi còn học 2 buổi mỗi tuần với một giáo viên dạy Toán khác. Thêm 3 ca học tiếng Anh, 1 buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở trường nữa là con kín lịch tất cả các buổi tối trong tuần. Nghĩ cũng thương con nhưng cũng chẳng có cách nào khác” – chị Ngọc bày tỏ.
Tương tự, nhiều gia đình khác cũng cho con học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô bộ môn dạy con trên lớp vì điểm số, vì lo con chịu thiệt thòi, không được cô quan tâm nếu không đi học thêm… Tuy nhiên, vì không hoàn toàn yên tâm nên ngoài các lớp này, phụ huynh còn đăng ký cho con một số lớp học thêm khác, cũng là môn học đó. Hệ quả là thời gian biểu của học sinh không còn đến một khe hở cho việc tự học hay hoạt động vui chơi với bạn bè, thư giãn sau giờ học. Hình ảnh những cô bé, cậu bé ngồi sau xe máy bố mẹ chở, ăn vội miếng bánh mì để kịp giờ học thêm đã không còn xa lạ ở các thành phố lớn.
Đặc biệt, áp lực với học sinh cuối cấp càng căng thẳng hơn gấp nhiều lần nên hiếm có học sinh nào không đăng ký học thêm. Thậm chí, phụ huynh còn tìm những lớp học thêm của các giáo viên nổi tiếng để đưa con đi luyện thi nên mới có cảnh, 21h30 lớp học thêm mới tan, hơn 22h học sinh ngủ gật trên xe bố chở về nhà.
Cần giải pháp đồng bộ
Vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan đã được bàn đến từ lâu và nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội. Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm đảm bảo phù hợp cho việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Hiện một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục. Trong đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Sở GDĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định của UBND cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Dẫu vậy, các địa phương đều than khó bởi chưa có quy định cụ thể về việc cấp phép và quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Hiện các địa phương đến nay vẫn “án binh bất động”, không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm, học thêm cũng như xử lý khi có sai phạm.
Có ý kiến cho rằng, nếu tăng lương giáo viên 20 triệu đồng/tháng, có lẽ không giáo viên nào dạy thêm. Nhưng xét từ khía cạnh lớp học đông với 50-60 học sinh/lớp, khó có giáo viên nào vừa làm tốt việc quản lớp, dạy cho từng học sinh mà chỉ có thể dạy hết bài theo chương trình phân công đã là mừng rồi. Nhưng với các kỳ thi vẫn nặng nề về kiến thức, để con đạt điểm giỏi, để vào trường chuyên, lớp chọn thì yêu cầu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa khó mà đáp ứng được. Từ đó, nảy sinh việc dạy thêm, học thêm…
Để không còn nhu cầu ảo về học thêm, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, cần thay đổi về bản chất, quán triệt được mục tiêu dạy học vì sự phát triển của con người thay vì nặng về thành tích. Hiện nay việc kiểm tra đánh giá đã thay đổi theo chương trình mới với việc không cho điểm, không xếp loại học sinh. Tuy nhiên, ông vẫn chờ đợi những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, muốn có thực tài, có năng lực, có phẩm chất cần phải rèn cho học sinh khả năng tự học. Chỉ có tự học mới sáng tạo, học thêm chỉ học thuộc, học tủ, học vẹt.
Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Cụ thể, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.