Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc

Lê Bảo (thực hiện) 21/12/2015 09:20

Trao đổi với báo chí xung quanh việc Việt Nam có được kí tiếp với Hàn Quốc hiệp định tiếp nhận lao động Việt Nam hay không, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay, hiện hai bên chưa đàm phán lại. Tuy nhiên, nếu tới tháng 3/2016, Việt Nam không thể giảm số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc xuống dưới 30%, có thể Hàn Quốc sẽ không ký lại hiệp định tiếp nhận lao động Việt Nam.

Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.

PV: Xin ông cho biết, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc hiện như thế nào?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trước đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc có lúc lên rất cao tới 44-45% nhưng hiện nay chiếm 32,3%. Tuy nhiên, con số này vẫn là nước đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (tỷ lệ này với các nước khác là 15-17%).

Được biết Việt Nam đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng trên, nhưng dường như vẫn rất khó giảm. Vậy đâu là nguyên nhân thưa Thứ trưởng?

- Đúng vậy. Nhằm hạn chế lao động bỏ trốn bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đã có nhiều giải pháp quyết liệt như: Thí điểm ký quỹ áp dụng từ tháng 11-2013. Lao động trước khi xuất cảnh phải ký quỹ 100 triệu đồng (tương đương 5.000 USD) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật Hàn Quốc khi về nước sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi.

Nếu không về nước đúng thời hạn hoặc bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp thì tiền này sẽ bị phong tỏa và chuyển vào Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng đối với lao động vi phạm không về nước, đã áp dụng đối với 1.225 trường hợp hết hạn không về nước đúng thời hạn.

Mới đây, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 62 nêu rõ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/9 đến 31/12/2015 sẽ không bị phạt tiền.

Mặc dù vậy, nhiều lao động vẫn bất chấp không chịu về vì thu nhập bên Hàn Quốc cao, thường là 25-30 triệu đồng, thậm chí 40 triệu đồng, còn về nước thì tình hình kinh tế khó khăn hơn, khó có chỗ nào đảm bảo được tiền lương như thế. Cái này cũng phải rất thông cảm cho người lao động, nhưng người lao động cần phải chia sẻ, thực hiện đúng pháp luật và quan trọng cần phải có trách nhiệm với cộng đồng. Bởi chỉ vì hành động bỏ trốn của mình mà trong 3 năm trở lại đây đã có 30 -40 nghìn lao động không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Hiện theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, có 15 tỉnh đang có số lao động ở lại trái phép nhiều nhất, chiếm tới 85% số lao động ở lại bất hợp pháp. Hiện nay Bộ cũng dự kiến trình Chính phủ những tỉnh có đông lao động ở lại bất hợp pháp thì nếu nối lại được thỏa thuận hợp tác thì cũng có thể những tỉnh này không được tham gia. Căng hơn thì những tỉnh này vẫn tham gia, nhưng các huyện nào có đông lao động ở lại bất hợp pháp không được tham gia.

Làm việc này để tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Thí dụ, tại sao tỉnh bên cạnh đi được mà tỉnh mình không đi được thì HĐND sẽ chất vấn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vấn đề đó. Hoặc trong cùng một tỉnh mà tại sao huyện này đi được huyện khác không đi được thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện như thế nào.

Công tác xuất khẩu lao động vẫn tồn tại nhiều bất cập như, thu phí cao... Tới đây Bộ sẽ có giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

- Trong năm qua nổi lên hai vấn đề đó là đơn thư khiếu nại về thu phí cao khá nhiều và tình trạng thu phí cao hơn so với quy định của Bộ. Những tồn tại này chủ yếu rơi vào thị trường Đài Loan. Câu chuyện này giải quyết cũng không dễ dàng. Lao động của mình yếu ngoại ngữ nên nhiều khi để có thể tranh thủ được hợp đồng thì các doanh nghiệp phải cạnh tranh về phí. Trong năm qua, Bộ cũng có lộ trình yêu cầu các doanh nghiệp giảm phí.

Cùng với đó Bộ đã chỉ đạo chấn chỉnh, đặc biệt trong khâu công khai thông tin thị trường XKLĐ. Nâng cấp cổng thông tin của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, để công khai những hợp đồng được thẩm định, danh sách các doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ, mức phí cho từng thị trường…

Ngoài ra, các doanh nghiệp XKLĐ phải công khai trên website của mình những thông tin như hợp đồng được Bộ thẩm định, số lượng tuyển. Với những doanh nghiệp bị phạt hành chính trong một năm từ 2 lần trở lên có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO