Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tới hạn 1/1/2022, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt những xe kinh doanh vận tải không gắn camera. Tuy nhiên, hiện rất còn nhiều doanh nghiệp chưa gắn camera theo quy định. Đa số các doanh nghiệp đều viện lý do "kiệt quệ" bởi ảnh hưởng của Covid-19, mong muốn các cơ quan chức năng lùi thời hạn lắp camera giám sát.
Theo quy định, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, ôtô vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera hành trình trước ngày 1/1/2022. Điều này nhằm đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Thế nhưng thời điểm cận kề, nhiều nhà xe vẫn chưa gắn camera theo quy định.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết: "Hiện nay do ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp của chúng tôi nói riêng và hầu hết các hãng xe khác cũng đều đang trong tình trạng kiệt quệ. Dù đã được cho hoạt động trở lại nhưng doanh thu không đủ bù chi và vẫn lỗ, giờ lại phát sinh thêm chi phí cho hệ thống camera giám sát sẽ khiến cho các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Chúng tôi cũng đã tìm các phương án để triển khai theo quy định nhưng thực sự chi phí thay thế quá lớn. Chưa kể hệ thống camera cũ sẽ phải bỏ đi nếu như không đúng theo quy chuẩn, cũng sẽ gây lãng phí, tổn thất cho doanh nghiệp".
Theo anh Nguyễn Đức Mạnh, lái xe đường dài ở quận Đống Đa (Hà Nội), công ty anh hiện có khoảng 10 xe, nhưng hầu hết đều chưa lắp camera. Giá xăng tăng kèm ảnh hưởng dịch bệnh, việc duy trì công việc, trả lương cho nhân viên đã là rất cố gắng, giờ lại thêm chi phí cho camera giám sát sẽ là khó khăn không hề nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng, nên chọn một thời điểm thích hợp hơn. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), thì có gần 50% thiết bị không hoạt động. Các doanh nghiệp mong muốn, cơ quan chức năng đánh giá, nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp trên các xe kinh doanh vận tải. Hiện tác động của dịch bệnh khiến doanh nghiệp vận tải đang bị đuối sức. Hầu hết các doanh nghiệp không triển khai lắp đặt mà đang trông chờ vào kiến nghị lùi thời hạn xử phạt của các hiệp hội.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc lắp camera trên xe theo lộ trình tại Nghị định 10, nhưng đến nay mới đạt khoảng hơn 12% trên tổng số 200.000 phương tiện bắt buộc lắp.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có công văn đôn đốc thực hiện lắp camera xe kinh doanh vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN-13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Trước đó, ngày 14/6, Bộ GTVT có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép: từ 1/7 đến hết 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của nghị định 100 đối với xe chở container, xe đầu kéo chưa lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh lái xe. Từ ngày 1/1/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với xe chưa lắp camera.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm không lắp camera các mức:
Đối với lái xe, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (đối với loại xe có quy định phải lắp camera hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông).
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.