Diễn ra trong bối cảnh một năm Covid-19 bủa vây và biến động, Giải thưởng “Bùi Xuân Phái -Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14-2021 vừa có công bố và trao 5 giải thưởng trên 4 hạng mục cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải. Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn vì có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng những tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Lấp lánh những tình yêu Hà Nội
1. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái khởi xướng từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác văn học - nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đến nay đã là kỳ thứ 14, điều đó cho thấy sự bền bỉ của những người tổ chức để tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có những đóng góp với văn hóa - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Năm nay, nhiều người đã nghĩ, có thể Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẽ hoãn vì dịch bệnh. Thế nhưng, trong một năm với nhiều thời điểm các hoạt động văn hóa, giải trí hầu như bị đóng băng; đời sống nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn, vẫn thấy lấp lánh những tình yêu Hà Nội thể hiện qua những tác phẩm, ý tưởng, việc làm cho Hà Nội, vì Hà Nội. Cuối cùng, Ban tổ chức đã trao 5 giải thưởng, trên 4 hạng mục cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải.
Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn. Đây là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái -Vì tình yêu Hà Nội, được trao cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành, Nghệ An, ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Dâng hiến của Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Đa số ý kiến cho rằng, trao cho nhạc sĩ Hồng Đăng là xứng đáng. Theo nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, tác phẩm mà nhạc sĩ Hồng Đăng trình làng sớm nhất với Thủ đô là thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm” (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964- mười năm sau ngày tiếp quản Thủ đô - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu. Bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, là những ca khúc: “Người sông Hồng”, “Duyên Hà Nội”, “Tiếng hát trên pháo đài thành phố”… Đặc biệt, là ca khúc “Hoa sữa”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc trao giải cho nhạc sĩ Hồng Đăng là hơi muộn. Cũng như năm ngoái Giải thưởng Lớn gọi tên nhạc sĩ Phú Quang, song vì lý do sức sức khỏe, nhạc sĩ đã không thể đến nhận giải. Chính nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng xứng đáng được đề cử từ sớm hơn nữa.
“Hiện nay nhạc sĩ Hồng Đăng tuổi đã cao, sức khỏe cũng không cho phép ông có thể hoạt động, tham gia những sự kiện như trước đây. Ông từng có nhiều hoài bão, kế hoạch... Tôi hơi tiếc vì thế”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
2. Giải thưởng Bùi Xuân Phái đã đi được một chặng đường không phải là ngắn. Ở kỳ trao giải thứ 14 này, Giải Tác phẩm -Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho Triển lãm ảnh và cuốn sách “Hà Nội 1967 - 1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt.
130 bức ảnh màu và đen trắng đã được tuyển chọn và in sách với tiêu chí chỉ tập trung vào đời sống chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài, cụ thể là 3 serie: “Hà Nội đời thường”, “Trẻ em thời chiến” và “Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò”.
Không tới Hà Nội để nhận giải thưởng này vì Covid-19, nhưng nhiếp ảnh gia Thomas Billhard cho biết, ông rất vui mừng đón nhận giải thưởng này. “Tôi thật hạnh phúc khi những bức ảnh mà tôi đã chụp ở đất nước các bạn 50 năm trước nhận được sự chú ý cho đến hôm nay”, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ. “Năm 1967, tôi đến Hà Nội để ghi lại các buổi thẩm vấn phi công Mỹ bị bắt ở Việt Nam (trong cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra ở miền Bắc - PV). Tôi ý thức được rằng mình có thể sử dụng máy ảnh như một vũ khí hòa bình chống lại chiến tranh”.
Năm nay, Ban tổ chức Giải Bùi Xuân Phái quyết định trao 2 giải Ý tưởng -Vì tình yêu Hà Nội cho 2 đề cử bằng phiếu nhau. Cụ thể: Giải “Ý tưởng -Vì tình yêu Hà Nội” thứ nhất được trao cho Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của TP Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan; Giải Ý tưởng -Vì tình yêu Hà Nội thứ hai được trao cho đề xuất Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử -Văn hóa -Tâm linh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.
Còn Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho “Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch”.
Phó Chủ tịch thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn khi lên nhận giải cho đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã nhắc tới việc nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Hà Nội cùng mong mỏi và liên tục đóng góp ý tưởng để một ngày giấc mơ “hướng ra sông Hồng” trở thành hiện thực. Như lời ông, giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái chính là một lời động viên đặc biệt được gửi tới ý tưởng sắp thành hiện thực này.
Phát động cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh”
Dịp này, cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh” đã được Báo Thể thao và Văn hóa phát động. Cuộc thi nhằm phản ánh một vẻ đẹp vừa mang tính chất truyền thống của một “Thành phố sông hồ”, vừa mang tính đương đại của Thủ đô xanh.
Các tác phẩm được chọn tham gia vòng chấm giải sẽ được công bố chính thức trên website cuộc thi: https://thethaovanhoa.vn/buixuanphai. Giải Đặc biệt dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trị giá tối thiểu là 30 triệu đồng, ngoài ra là các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích.