Những năm qua, bên cạnh tình hình tội phạm ma túy còn phức tạp thì việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn diễn ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái.
Nhờ được tuyên truyền vận động, nhiều diện tích cây thuốc phiện đã được nhổ bỏ.
Mặc dù toàn bộ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy được phát hiện đã bị các cơ quan chức năng phá nhổ và tiêu hủy.Thế nhưng thực tế này cho thấy để triệt phá tận gốc việc này không hề đơn giản. Diện tích trồng cây thuốc phiện thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng.
Những điểm nóng về trồng cây thuốc phiện phải kể đến Lai Châu. Nơi đây từng được ví như là vựa cây thuốc phiện lớn nhất nhì miền Bắc. Trong cái vựa đó, nhiều nhất phải nói đến Tà Tổng, mảnh đất nằm trên độ cao khoảng 1.500 mét so với mặt nước biển, khí hậu và thổ nhưỡng rất hợp cho loại cây trồng chết người này. Kế đến là Tả Phìn, huyện Sìn Hồ; Hố Mít, huyện Tân Uyên; Pa Ủ, huyện Mường Tè…
Chính quyền địa phương đã phải huy động nhiều lực lượng quyết liệt vào cuộc phá nhổ và tiêu hủy cũng như tuyên truyền vận động người dân không trồng, không tái trồng cây thuốc phiện.
Sau rất nhiều nỗ lực, từ năm 2012 - 2015, tỉnh Lai Châu đã vận động nhân dân phá nhổ gần 50ha cây thuốc phiện, cụ thể niên vụ 2013 - 2014, lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phá nhổ 113.600m²diện tích trồng cây thuốc phiện. Trong đó huyện Mường Tè với trên 75.000m², chủ yếu tập trung ở những cánh rừng già thuộc khu vực xã vùng sâu, vùng xa Tà Tổng.
Riêng trong năm 2015, Công an tỉnh Lai Châu đã vận động nhân dân phá nhổ 94.759m² cây thuốc phiện…Trên những mảnh nương, sườn núi hay trong những khu vườn nhỏ sau nhà, cái màu tím ma mị chết người đã dần vắng bóng.
Thế nhưng, trong chiến dịch này có một việc luôn là niềm tự hào của địa phương cũng như được nhiều người nhắc đến, coi đó như một điển hình để học tập, đó là ngoài sự nỗ lực, quyết liệt của chính quyền thì hầu hết diện tích loài cây độc này là do nhân dân tự giác phá nhổ.
A Mí, người trước đây đã từng sở hữu một nương cây thuốc phiện bảo rằng, mình từ bỏ được loại cây này, không bị lợi nhuận của nó cám dỗ chính là nhìn thấy cái tình của những người cán bộ công an.
Họ đã xuống đây, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người bà con. Hàng ngày, cán bộ lên nương, nói cho mình nghe cái hại của loài cây chết người này, nó không chỉ là loại thuốc chữa được cái bệnh mỗi khi đau đâu, mà nó còn hủy hoại sức khỏe của bao nhiêu thanh thiếu niên, làm tan vỡ nhiều gia đình, làm cho con mất cha, vợ mất chồng…
Cán bộ nói nhiều lắm, nhiều lắm, dần dần mình hiểu ra và tự giác phá nhổ cũng như vận động những bà con đang trồng loài cây này tự giác phá bỏ nó đi đấy.
Lời của A Mí cũng giống như lời của ông Sùng A Chứ, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tà Tổng mà nhiều người thường nhắc đến, rằng cái hay ở Tà Tổng chính là cán bộ làm tốt công tác tuyên truyền. Khi bà con hiểu, ưng cái bụng, tự họ phá nhổ cây thuốc phiện. Các cán bộ chỉ triệt phá được những diện tích lớn chứ làm sao có thể đi bộ khắp núi ngàn thung để tìm hết được cây thuốc phiện mà phá bỏ nó”.