Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Sở đang hoàn thiện kế hoạch đón khách du lịch trong dịp Tết. “Mặc dù tình hình dịch khó khăn, nhưng trên tinh thần quyết tâm, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo phục vụ khách một cách tốt nhất và an toàn nhất”- bà Thanh cho biết. Tuy nhiên, không chỉ “tâm điểm du lịch Nha Trang” có kế hoạch đón khách dịp Tết này, mà các địa phương khác cũng đã sẵn sàng.
Nha Trang: Giảm giá tour để hút khách
Tại thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), không khí Tết đã đến. Các khu vui chơi giải trí, khu du lịch, khách sạn, đường phố ở Nha Trang đều đã trang hoàng lộng lẫy.
Kể từ ngày 29/1, Hiệp hội Du lịch Nha Trang sẽ tổ chức Lễ hội ẩm thực và du lịch - Xuân Tân Sửu 2021, với thông điệp “Nha Trang - Khánh Hòa điểm đến an toàn, thân thiện và giàu lòng mến khách”. Lễ hội có sự tham gia của 48 gian hàng gồm: 12 gian hàng giới thiệu quảng bá các tour, tuyến du lịch, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Khánh Hòa; 12 gian hàng ẩm thực và thưởng thức ẩm thực đặc sản dân gian của các địa phương trong tỉnh; 12 gian hàng trò chơi dân gian đặc trưng của Lễ hội Tết truyền thống; 12 gian hàng của các ngành thương mại, nông sản chế biến tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và bán các sản phẩm phục vụ Tết Xuân Tân Sửu, quà lưu niệm dân gian...
Đây là cố gắng nổi bật khi biết rằng trong năm 2020, du lịch Khánh Hòa chịu tổn thất nặng nề vì dịch Covid-19. Ước tính, toàn tỉnh chỉ đón hơn 1,24 triệu lượt khách lưu trú, giảm gần 82,3% so với năm 2019; công suất phòng lưu trú chỉ đạt 10,6%; tổng thu từ khách du lịch giảm gần 82,7%.
Theo bà Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thì Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là “mùa vàng” của ngành du lịch. Điều đó cũng có nghĩa là nếu không tận dụng được thì sẽ mất cơ hội. Và tất nhiên, nóng lòng chờ Tết đến cũng có nghĩa là nóng lòng “gặt hái” để mở đầu cho một năm mới tốt lành.
Ông Trần Tấn Ngọc - đại diện khách sạn Yasaka Sài Gòn - Nha Trang cho biết, dịp này khách sạn sẽ tổ chức Lễ hội bánh chưng để phục vụ du khách. Người dân, du khách đăng ký tham gia lễ hội sẽ được tận tay gói những chiếc bánh chưng để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Đặc biệt du khách được trải nghiệm đốt lửa, nấu bánh và thưởng thức sản phẩm do chính mình làm ra. Tại lễ hội, du khách còn được tham gia gói chiếc bánh tét khổng lồ dài 39m.
Phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, tới nay các điểm đảo du lịch trong vịnh Nha Trang như Hòn Tằm, Trí Nguyên, vịnh San hô, đảo Robinson, Bãi Tranh đã được chỉnh trang. Nói như ông Ung Văn Nhựt - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Mở toàn cầu thì Tết năm nay hầu như Nha Trang không có tour khách quốc tế, mà chỉ đón các tour khách du lịch nội địa. Nhưng làm tốt để đón du khách trong nước phải được coi là cách để du lịch phát triển trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, cũng là hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Ông Nhựt cũng cho biết, để kích cầu, giá tour Tết năm nay giảm sâu khoảng 50% so với năm 2020. Trung bình, 1 ngày trải nghiệm của một khách theo tour (Hà Nội - Nha Trang; TP Hồ Chí Minh - Nha Trang) vào khoảng 700.000 đồng/người.
Hội An: Tạo điểm check-in mới lạ
Cũng giống như Nha Trang, đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng xác định “lấy lại phong độ” kể từ dịp Tết này. Tại làng chài Cẩm An ven sông Cổ Cò và biển Hội An, một phiên chợ Tết Xưa đặc biệt sẽ được mở ra. Tại đây người dân có thể mua bán, trao đổi bằng tiền xu như trong phiên chợ ngày xưa.
Chợ Tết đặc biệt này sẽ chính thức diễn ra vào hai khoảng thời gian, từ ngày 4 đến ngày 10/2 (nhằm ngày 23 đến ngày 29 tháng Chạp) và từ ngày 12 đến ngày 16/2 (nhằm mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng). Phiên chợ được tổ chức trong không gian rộng hơn 5.000 m2 với khoảng 30 gian hàng, tái hiện lại khung cảnh chợ Tết Hội An thời xưa qua cách bài trí không gian chợ, vật phẩm trang trí và thông qua các mặt hàng buôn bán các món đồ tết, các quầy ẩm thực; phương thức giao thương… Các gian hàng đều được bày bán tại nhà chòi hoặc quang gánh trong không gian xanh của rau cỏ, hoa trái.
Phiên chợ với kỳ vọng gợi lại hình ảnh Hội An một thời hưng thịnh, từ đó sẽ tạo thêm một điểm check-in mới lạ, ấn tượng.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp du lịch cam kết đồng hành cùng với thành phố Hội An khôi phục hoạt động đón khách. Dịp Tết này đến Hội An, du khách còn được thưởng thức màn trình diễn áo dài phố cổ; các show nghệ thuật thực cảnh “Thức giấc Hội An” cũng như các lễ hội đường phố….
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An thì chính sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để kích cầu du lịch. Và Hội An tin tưởng rằng du lịch tết đô thị cổ sẽ là điểm nhấn khởi đầu tốt đẹp cho năm Tân Sửu.
Huế: Du lịch thông minh giữa dòng Hương giang
Với thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), ngành du lịch đã sẵn sàng đón du khách dịp Tết. Không chỉ hệ thống khách sạn, nhà hàng; hay là các điểm di sản, di tích mà cả thành phố cũng như các làng ngoại ô cũng chờ Tết đến Xuân về. Và thật ấn tượng khi không chỉ dừng ở đó mà Huế đã chính thức bước vào một dự án phát triển du lịch đầy tham vọng.
Đó là Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thỏa thuận và ký kết. Dự án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2021 này, kéo dài tới năm 2025, với kinh phí 14,8 triệu USD trong đó KOICA sẽ tài trợ 13 triệu USD.
Dự án thông qua tăng cường phát triển du lịch thông minh và đô thị bền vững nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân và phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, hướng tới việc giải quyết các thách thức ngày càng lớn của thành phố do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp du lịch. Đồng thời, từng bước xây dựng ngành du lịch có lợi nhuận cao hơn, cân bằng với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của thành phố.
Trong Dự án, điểm nhấn rất quan trọng là thí điểm Trung tâm Văn hóa - Du lịch thông minh tại cồn Dã Viên (một cồn nổi giữa dòng sông Hương).