Sáng 18/4, Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng Liên minh HTX Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại khai mạc Hội nghị.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ông Charles Gould, Tổng Giám đốc ICA; ông Li Chunsheng, Chủ tịch Liên minh HTX châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP); ông Balu Iyer, Tổng Giám đốc ICA-AP; Ban lãnh đạo ICA-AP; các thành viên của ICA-AP; ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam và đại điện các nước tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định: Với thế và lực sau 30 năm đổi mới, đây là lúc Việt Nam có thể đóng góp thiết thực hơn nữa cho ICA-AP, mang lại những lợi ích thiết thực cho hợp tác xã và người dân.
Việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và xây dựng nhiều chương trình hợp tác với nhiều liên đoàn hợp tác xã thành viên trong đó có Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự phát triển kinh tế hợp tác xã của ICA-AP và các nước trong khu vực.
Dịp này, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ với Hội nghị 5 định hướng hợp tác, hỗ trợ của ICA thời gian tới: Trước hết, cần thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX tăng trưởng bền vững, sáng tạo và giữ vững bản chất tốt đẹp, nhân văn của HTX.
Cải cách cơ cấu cần ưu tiên của ICA-AP, nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. “Chúng ta cần xây dựng các cộng đồng HTX vững mạnh và phát triển bền vững, lấy người dân và HTX làm trung tâm phát triển”.
Thứ hai, cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. Làm sống động hợp tác thương mại và đầu tư là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và HTX. ICA-AP cần tăng cường hợp tác trên các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới để bảo đảm mọi người đều có thể hưởng lợi. Đặc biệt cần tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN và FTAAP. “Và để tăng cường kết nối khu vực, tiểu khu vực và HTX, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, tận dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác công – tư”.
Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, ICA-AP cần hỗ trợ các HTX tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm. ICA-AP cần hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến thuận lợi hóa kinh doanh cho các HTX, khởi nghiệp bằng việc thành lập các HTX do thanh niên và do phụ nữ lãnh đạo. Là khu vực có số lượng người sử dụng internet lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, châu Á- Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng hợp tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật số và quốc tế hóa doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã.
Thứ tư, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. ICA-AP cần thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp. Chúng ta cần tăng cường quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đào tạo kỹ năng cho nông dân, hỗ trợ họ tiếp cận vốn và thị trường. Đặc biệt ICA-AP cần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững.
Thứ năm, trong một thế giới đầy biến động, ICA-AP cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực đa tầng nấc, ủn hộ hệ thống thương mại đa phương mở…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
“Đây là thời điểm chúng ta cần cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho ICA-AP sau năm 2020, vì “Tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ đối với khu vực HTX để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”; một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới” - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thay mặt cho ICA-AP, ông Li Chunsheng, Chủ tịch ICA-AP gửi lời cảm ơn Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ICA-AP. Hội nghị lần này hướng tới mục tiêu phát triển HTX bền vững, xây dựng môi trường, cần tăng cường hỗ trợ, phát triển vốn cho HTX để vượt qua khó khăn; Các quốc gia trong khu vực cần tăng cường kết nối, hỗ trợ phong trào HTX phát triển. Chúng ta cần hướng tới xây dựng lòng tin, xây dựng thế hệ mới, giải quyết mọi thách thức của thế kỷ mới.
Tại Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã đề cập cụ thể tới sự hỗ trợ hợp tác giữa Chính phủ với Khu vực HTX để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Hiếu, quan điểm về phát triển bền vững của Việt Nam là lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững, phát huy tối đa con người với vai trò chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển bền vững; đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển bền vững là kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữ phát triển kinh tế với phát triễn xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tạo lập điều kiện để mọi người và mọi công dân trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển.
Mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn từ 2011-2020, về xã hội: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; Giảm thiểu tác động tiêu của kinh tế lên xã hội; Đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, hỗ trượ người nghèo; Ổn định quy mô và cải thiện chất lượng dân số; Phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế; Xây dựng và củng cố vững chắc nông thôn theo các tiêu chí của nông thôn mới.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Hiện nay Việt Nam có hơn 2 vạn HTX phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vận tải, tín dụng... và các lĩnh vực khác thu hút trên 30 triệu người tham gia, là khu vực kinh tế - xã hội rộng lớn, có tác động quan trọng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn...
Theo ông Cự, các HTX đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát huy dân chủ tại cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu kinh tế.
Gần đây khủng hoảng kinh tế tài chính, suy thoái toàn cầu đã có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên trong bối cảnh đó, khu vực HTX đã thể hiện rõ bản chất tốt đẹp và sức sống mãnh liệt của mình, nỗ lực phấn đấu vươn lên. Góp phần vào thành quả đó, Liên minh HTX đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội cùng đất nước, khu vực HTX tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới.