Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh

26/04/2017 14:04

Sáng 26/4 (1/4 âm lịch), tại di tích đền Bia, thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh và khai hội truyền thống đền Bia.

Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ do các giáo viên Trường Mầm non xã Cẩm Văn biểu diễn.

Dự lễ tưởng niệm có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Đậu Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng đọc diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đại danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh - người được nhân dân tôn là “vị Thánh thuốc Nam”.

Màn đánh trống, thỉnh chiêng khai màn lễ hội.

Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Lên 6 tuổi, Tuệ Tĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) đón về nuôi dạy. Năm 22 tuổi (1351), ông đỗ Thái học sinh nhưng từ chối không làm quan.

Thời bấy giờ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân nghèo. Tuệ Tĩnh thấy vậy nên đã nghiên cứu, chủ động trồng và thu thập cỏ, cây, hoa, lá, dược liệu có trong tự nhiên để chế thành thuốc giúp người dân chữa khỏi nhiều loại bệnh. Ông lập y xá ngay tại các ngôi chùa để chữa bệnh cho người dân.

Đội tế thôn Văn Thai đọc văn tế về Đại danh y Tuệ Tĩnh.

Năm 45 tuổi, Tuệ Tĩnh được vua Trần cử vào đoàn đi sứ sang nhà Minh. Tại đây, ông đã đem tài năng của mình chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ của vua Minh) và được triều đình nhà Minh phong làm Đại y thiền sư. Sau đó, ông mất tại Giang Nam (Trung Quốc). Trong suốt cuộc đời của mình, Đại danh y Tuệ Tĩnh đã xây dựng được 12 ngôi chùa và biến các ngôi chùa thành cơ sở chữa bệnh cho dân.

Ngoài ra, ông để lại nhiều bài thuốc quý, có giá trị cho nền y học nước nhà. Nhiều cuốn sách quý như: Hồng Nghĩa giác tư y thư, Nam dược thần hiệu… đã được hậu duệ đời thứ 9 của ông sưu tầm, biên soạn và tổng hợp thành 580 vị thuốc nam, 10 khoa chữa bệnh tổng hợp, 3.873 phương thuốc trị được 184 loại bệnh. Những tác phẩm và phương pháp chữa bệnh của ông là di sản quý báu, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền y học Việt Nam từ xưa đến nay.

Các đại biểu dâng hương, tưởng niệm công đức của Đại danh y Tuệ Tĩnh.

Đền Bia thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh xây dựng từ thời Lê, được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Tại đây có lưu giữ tấm bia đá ghi thân thế, sự nghiệp và công lao của Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 – 1699) khắc dựng.

Sau phần đánh trống, thỉnh chiêng và đọc văn tế, các đại biểu trung ương, địa phương cùng nhân dân, du khách thập phương đã dâng hương tưởng niệm công đức của Đại danh y Tuệ Tĩnh.

Nhân dân và du khách thập phương dâng hương.

Cũng tại lễ hội, hội Đông y huyện Cẩm Giàng tổ chức bắt mạch, kê đơn miễn phí cho du khách thăm quan, dâng hương tại đền. Lương y Bùi Đức Hiền, Chủ tịch Hội Đông y thị xã Chí Linh phát tặng miễn phí 500 gói thuốc nam cho du khách và nhân dân địa phương.

Trò chơi cờ tướng tại lễ hội đền Bia thu hút nhiều người tham gia.

Trình diễn viết thư pháp tại lễ hội.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, 25 và 26 - 4, ngoài lễ dâng hương tưởng niệm, còn nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn và độc đáo như: Lễ chữ dâng thánh “Nam dược thánh nhân”, hát quan họ, viết thư pháp, thi đấu cờ tướng, giao hữu bóng chuyền giữa 3 xã Cẩm Vũ, Cẩm Văn, Cẩm Sơn có di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO