Văn hóa

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10: Tôn vinh gần 400 nghệ sĩ xuất sắc

Minh Quân 02/03/2024 08:41

Theo kế hoạch, vào ngày 6/3 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu cho 124 Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và 257 Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

anh-thay-bai-tren.jpg
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Ảnh: Quang Vinh.

Vinh danh những cống hiến

Theo các quyết định do Chủ tịch nước ký đã được công bố, đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 có tổng cộng 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND, 256 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSƯT, 5 cá nhân được truy tặng danh hiệu NSND và 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu NSƯT.

Trong danh sách phong tặng NSND lần thứ 10, lĩnh vực sân khấu có số lượng nghệ sĩ được phong tặng lớn nhất lên tới hơn 60 NSND. Lĩnh vực âm nhạc có thêm hơn 40 nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND. Nghệ sĩ cao tuổi nhất được vinh danh NSND là diễn viên Đức Trung (84 tuổi); NSƯT Hoài Thu (sinh năm 1984) là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND.

5 nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND lần này gồm: Cố nghệ sĩ cải lương Bùi Thị Huệ (Thanh Kim Huệ); NSƯT Lê Gia Hội, diễn viên hát, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; NSƯT Hồ Quảng, đạo diễn, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; NSƯT Lê Trí Tưởng, diễn viên, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TPHCM); NSƯT Võ Thị Tuyết Mai, diễn viên, Nhà hát Tuồng Đào Tấn tỉnh Bình Định.

Chia sẻ cảm xúc khi được phong tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ Mỹ Uyên bày tỏ rất vui và hạnh phúc nhưng cũng có chút áp lực. Đồng thời cảm thấy khi nhận danh hiệu này, bản thân cần có thêm trách nhiệm với công việc, với xã hội, luôn phải sống tử tế, biết phấn đấu, cống hiến cho nền nghệ thuật của nước nhà. Còn ca sĩ Phạm Phương Thảo - một trong những nghệ sĩ thế hệ 8X được phong tặng NSND chia sẻ, danh hiệu cao quý với một nghệ sĩ trẻ tuổi không chỉ là sự ghi nhận của cơ quan quản lý, các cấp lãnh đạo và công chúng mà còn là một vòng nguyệt quế danh giá tô điểm cho sự nghiệp của họ. Đó khiến những người trẻ có định hướng tốt hơn, động lực phấn đấu dồi dào hơn để khẳng định sự xứng đáng với những gì đã được trao tặng.

Cũng trong đợt vinh danh lần này, ở danh sách phong tặng NSƯT có nhiều người được công chúng biết đến rộng rãi như Lan Anh, Tân Nhàn, Thiện Tùng, Việt Anh, Ốc Thanh Vân... Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 10, nghệ sĩ duy nhất được truy tặng danh hiệu NSƯT là Đinh Trọng Nguyên - diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Còn đó những tâm tư

Có thể nói sau 10 lần vinh danh, danh hiệu NSND, NSƯT không chỉ là phần thưởng danh giá đối với cá nhân từng nghệ sĩ mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, bởi hơn hết, họ là những tên tuổi được yêu mến, ghi những dấu ấn quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật nước nhà qua nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện vinh danh vẫn còn đó những tâm tư. Bởi sau mỗi đợt xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ sĩ thường kéo theo dư luận ồn ào. Không thiếu những câu chuyện nghệ sĩ bức xúc, cho rằng mình “oan ức” vì bị “trượt lên trượt xuống” sau vài ba lần tham gia xét tặng, cá biệt có người còn làm “đơn cứu xét”. Ở đó, vẫn luôn là tranh cãi về tiêu chí, thủ tục duyệt hồ sơ, hay những trường hợp trượt danh hiệu đáng tiếc mỗi đợt xét duyệt đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Đơn cử như trong danh sách NSND, NSƯT trong đợt xét tuyển lần thứ 10 sau khi công bố đã gây không ít tranh cãi. Theo đó, những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Thanh Quý từ bỏ làm hồ sơ xét duyệt, NSƯT Chí Trung, NSƯT Đỗ Kỷ… trượt danh hiệu NSND. Tuy nhiên, đối với mỗi trường hợp lại có lý do và câu chuyện phía sau. Nếu như nghệ sĩ Chí Trung trượt danh hiệu NSND do thiếu huy chương thì hồ sơ của nghệ sĩ Đỗ Kỷ bị xếp lại do có đơn thư khiếu nại.

Nhìn nhận về những “lùm xùm” sau mỗi lần vinh danh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT gây ồn ào nhiều năm nay vì nghệ sĩ luôn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội nên câu chuyện lại được nhân rộng hơn ra. Trong khi đó, quy định phong tặng danh hiệu không phải lúc nào cũng bao quát hết được những đa dạng, phức tạp của cuộc sống, có những quy định khá cứng nhắc nhưng lại có những quy định có độ linh hoạt nhất định.

Thực tế cho thấy, danh hiệu vốn để tôn vinh sự đóng góp của nghệ sĩ, nhưng hành trình đi đến danh hiệu lắm gian nan, nhiều quy định phức tạp. Những tiêu chí về số lượng giải thưởng, huy chương, thâm niên... bị cho là làm khó chính các nghệ sĩ. Việc “quy đổi” huy chương trong tiêu chí xét duyệt danh hiệu gây ra nhiều bất cập. Có những nghệ sĩ chăm chỉ đi thi, giành huy chương chỉ với mục đích được xét tặng danh hiệu và trở thành NSƯT, NSND rất nhanh. Do đó, Nhà nước vẫn nên có những trường hợp đặc cách, hoặc những tiêu chí linh hoạt hơn về phong tặng danh hiệu, để ghi nhận công tâm quá trình nỗ lực của giới hoạt động nghệ thuật.

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 6/3/2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo đó, sẽ có chương trình nghệ thuật hoành tráng diễn ra tại sự kiện này. Trong chương trình, ca sĩ Thanh Lam sẽ biểu diễn, đồng thời lên nhận danh hiệu NSND do Chủ tịch nước trao tặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10: Tôn vinh gần 400 nghệ sĩ xuất sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO