Lệch chuẩn, nhìn từ văn hóa

Cẩm Thúy 09/04/2019 08:00

LTS: Năm 2014, Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) ra đời, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi đó như một “cú hích”, một cương lĩnh số 3 về văn hóa của Đảng (sau Đề cương Văn hóa 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII). 5 năm đã trôi qua, tất cả những gì đã và đang diễn ra cho thấy việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng được với tình hình mới mà tinh thần Nghị quyết nêu ra lúc ấy là hết sức cấp bách.

Tuy nhiên, trong thực tế việc đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh phát triển đất nước đã không diễn ra như đòi hỏi. Sự lệch lạc về văn hoá, xuống cấp về đạo đức xã hội không còn chỉ là vài hiện tượng đơn lẻ. Nhưng nó đã được ứng xử như những hiện tượng đơn lẻ. Việc vội vàng phê phán và áp đặt cho giới trẻ sự lệch chuẩn nào đó cũng cho thấy nếu không tìm ra nguyên nhân sâu xa và giải pháp căn cơ thì vẫn chưa thể bước vào được một thời kỳ mới, với việc hoàn thiện chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng đúng đòi hỏi của thời kỳ hội nhập.

Loạt bài này không dừng ở việc ồn ào của một vài hiện tượng xã hội được coi là lệch chuẩn, chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói tạo ra sự chuyển biến để “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

Bài 1 - Thần tượng của giới trẻ: Nhận diện và giải mã

Lệch chuẩn, nhìn từ văn hóa

Có thể say mê một ca sĩ thị trường, nhưng không phải vì thế mà học theo cái sai của thần tượng…

Trước hết phải khẳng định sự thay đổi trong nhận thức của tuổi trẻ mỗi một giai đoạn lịch sử là phù hợp với bước phát triển của xã hội. Ví dụ như ở những năm tháng đất nước còn có chiến tranh, thì lý tưởng sống của một thế hệ trẻ thời ấy là “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Những tuổi 20 ai mà chẳng tiếc/ Nhưng nếu tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc…”.

Chuyển sang thời kỳ mới, đất nước cần sức trẻ vào việc khác. Đặc biệt là khi đã hội nhập toàn cầu, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với đất nước, với xã hội, với cuộc đời của mỗi người đã không còn bó hẹp nữa. Từ đó, việc theo đuổi những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ cũng phong phú hơn. Và những tấm gương, những thần tượng mà người trẻ tuổi ngày hôm nay ngưỡng mộ cũng vì thế mà có những tiêu chí thay đổi theo.

Giới trẻ toàn thế giới hôm nay có thể ngưỡng mộ Bill Gate, nhưng không vì thế mà học theo Bill Gate để bỏ học. Cũng như giới trẻ ngày nay có thể có những thị hiếu bình thường như mê một ngôi sao giải trí Hàn Quốc, thích một ca sĩ nhạc thị trường… Chuyện này phải được nhìn nhận một cách công bằng, bởi vì đó cũng không phải là việc đáng phải phê phán.

Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta không hẹp hòi và khắt khe trong việc đánh giá nhận thức của giới trẻ, nhưng có những giá trị mà dù xã hội có phát triển thế nào cũng không thể thay đổi được. Có thể ngưỡng mộ một ngôi sao giải trí Hàn Quốc, nhưng không vì thế mà quỳ xuống hôn ghế thần tượng. Có thể say mê một ca sĩ thị trường, nhưng không phải vì thế mà học theo cái sai của thần tượng…

Lệch lạc nhất trong việc chạy theo, đề cao một ai đó, một hành động nào đó là khi con người ấy, hành động ấy hoàn toàn trái ngược với chuẩn mực đạo đức và văn hóa. Có thể ngưỡng mộ một hành động bình dị đời thường của ai đó nhưng không có nghĩa là theo dõi, bình luận những hành động chửi bới tục tĩu, ngông cuồng của những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền…

Lệch chuẩn, nhìn từ văn hóa - 1

Lệch lạc trong cách nhìn nhận dẫn tới lệch chuẩn văn hóa từ trường hợp Khá Bảnh.

Và những thần tượng ảo, sẽ nhanh chóng bị lật mặt nạ. Clip Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) khóc lóc trước các điều tra viên đã lan truyền trên mạng nhanh không kém gì các video chửi tục trước đó của thanh niên này trên Youtube. Cách anh ta dễ dàng khóc nức nở nó khiến người ta không thể không bật cười khi liên tưởng tới các hành xử yêng hùng trước đó như đốt xe máy quay video hay chửi bậy tục tĩu, đầy giọng giang hồ… Xem ra, những anh hùng trên mạng thoắt cái có thể thành thảm hại ngoài đời. Nếu chẳng may có 1 số bạn trẻ nào đó đã từng coi Khá Bảnh là “thần tượng” sẽ từ việc này mà nhận ra bản chất thật của những kẻ như thế là gì.

Tất nhiên, trong câu chuyện gây ồn ào xã hội thời gian qua về những clip có nội dung thiếu lành mạnh như vậy trên Youtube có lượng người theo dõi lên tới mấy triệu người, chúng tôi cũng không cho rằng tất cả những người ấy đều coi các nhân vật ấy là thần tượng. Đã có những em học sinh bày tỏ rằng họ tò mò vào xem thì nhiều hơn, thậm chí có nhiều người xem để biết rằng trên đời có những chiêu trò thế nào… Tuy nhiên, mặt trái của thời buổi công nghệ là ở chỗ đó.

Đôi khi có những cái xấu cái ác đã được lan truyền rộng rãi hơn chỉ vì sự tò mò, vì sự vô tình của người sử dụng mạng xã hội. Và việc càng có nhiều lượng người xem càng thu được tiền đã tiếp tay cho những cái xấu lên ngôi. Những video chửi bậy trên Youtube với gần 2 triệu người theo dõi đang phản ánh điều gì về thời đại chúng ta đang sống? Chỉ có thể lý giải nó như một đặc trưng, một sản phẩm tất yếu của thời mà người ta sống đã bị hoàn toàn phụ thuộc vào mạng xã hội. Và có những con số hoàn toàn không phản ánh một giá trị nào.

Nói những điều này chúng tôi không có ý bào chữa cho các bạn trẻ đã đổ xô đi xem clip kiểu như của Khá Bảnh, nhưng nếu chúng ta nhận diện được rõ hơn thì sẽ đỡ hoang mang hơn về câu chuyện lệch chuẩn thần tượng. Cũng như chúng ta sẽ thấy rõ trách nhiệm của mỗi người trong việc tạo dựng ra những giá trị cho xã hội và định hướng để những người trẻ tuổi biết tiếp cận và trân trọng những giá trị hơn là một việc rất dễ dàng là đổ phắt lỗi cho giới trẻ, rằng họ đang lệch lạc, đang hư hỏng.

Trong sự được gọi là đang lệch chuẩn của giới trẻ, có bao nhiêu thực sự là đang lệch thật, bao nhiêu phần khác là sự áp đặt? Giải mã thấu đáo những điều này bằng những nghiên cứu khoa học thực sự mới mong có một cách nhìn và suy nghĩ thấu đáo về giới trẻ. Từ đó có sự hoạch định trong chiến lược phát triển văn hóa để bồi đắp nhân cách con người một cách căn cốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lệch chuẩn, nhìn từ văn hóa