Khi những cơn rét len lỏi từng ngóc ngách, sương mù bao phủ cũng là lúc những vườn hồng của đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chín đỏ rực cả một góc trời. Nhờ khí hậu phù hợp nên hồng ở đây cho quả ngọt lịm và là điểm check - in lý tưởng của giới trẻ.
Những ngày này, tại các xã Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Càn, Na Ngoi... thuộc huyện Kỳ Sơn, nhiệt độ xuống thấp, mây mù bao phủ cả ngày. Đây cũng là thời điểm những sản vật vùng biên như hoa đào, hoa mận, hồng... khoe sắc. Nếu như hoa mận, hoa đào phải cận Tết mới nở thì cây hồng đã bắt đầu cho những quả chín mọng rực đỏ cả một vùng núi rừng.
Theo tìm hiểu, từ dự án hỗ trợ xóa bỏ cây thuốc phiện do huyện Kỳ Sơn triển khai, cây hồng bắt đầu được trồng tại đây vào năm 1996. Cây hồng rất hợp với thời tiết, khí hậu ở vùng đất này. Vào mùa đông giá rét, những cây hồng đỏ rực nổi bật lên giữa núi đồi mờ sương tạo cảm giác thật huyền ảo, kỳ thú.
Đặc biệt, tại xã Tây Sơn, nơi định cư lâu đời của cộng đồng người Mông, mùa đông đến, khắp các bản làng rực lên một màu đỏ của những trái hồng chín. Thân cây hồng rụng hết lá chỉ còn trơ lại trên cành những chùm quả chín đỏ mang đến một bức tranh phong cảnh đẹp đến mê mẩn lòng người. Không chỉ có vậy, cây hồng đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào nơi đây vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.