Sau 2 tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III do do Bộ Công an, Bộ VHTT&DL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức đã khép lại với lễ bế mạc và trao giải cho các vở diễn và nghệ sĩ xuất sắc. Với 27 vở diễn của 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, BGK đã lựa chọn trao 4 HCV, 8 HCB cho các vở diễn xuất sắc nhất; 45 HCV, 64 HCB cho các nghệ sĩ xuất sắc.
Lễ trao giải Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về
“Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III.
Theo kế hoạch ban đầu, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III sẽ có khung giải thưởng gồm giải thưởng tập thể: 1 HCV, 3 HCB, 5 và các giải Khuyến khích. Giải thưởng cá nhân gồm 20 HCV, 30 HCB, 30 HCĐ. Tuy nhiên, trong lễ bế mạc, đã 4 vở diễn xuất sắc nhất được trao HCV gồm “Không phải là vụ án” (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Nguyễn Công Bảy) của Đoàn Kịch nói CAND; “Người chiến sĩ năm xưa” (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng” của Nhà hát Chèo Quân đội; “Dư chấn” (tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Cũng là tình yêu” (tác giả Thanh Huyền, đạo diễn NSƯT Trần Thắng Vinh) của Đoàn Văn công Đồng Tháp.
8 vở diễn được trao HCB gồm “Quyết đấu giữa sương mù” (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Đoàn Kịch nói CAND; “Phía sau vụ án” (tác giả Vũ Xuân Cải, đạo diễn NSƯT Trần Nhượng) của Đoàn Kịch nói Nam Định; “Phút giây định mệnh” (tác giả Hữu Ước, đạo diễn NSƯT Xuân Sanh) của Nhà hát Chèo Hưng Yên; “Ai là thủ phạm” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung) của Nhà hát Tuổi trẻ; “Những người lính trận” tác giả nhà văn Hà Đình Cẩn, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, của Nhà hát Kịch Quân đội; “Phía sau tội ác” (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực) của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP.HCM; “Người đàn bà uống rượu” (tác giả Hữu Ước, đạo diễn Quốc Thảo) của Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn; “Khoảnh khắc mong manh” (tác giả Hữu Ước, đạo diễn NSƯT Xuân Vũ) của Đoàn cải lương Thái Bình. Ngoài ra có đến 45 HCV, 64 HCB cho các nghệ sĩ xuất sắc.
Đây dường như là đầu tiên ở Liên hoan nghệ thuật có sự “phá khung” giải thưởng nhiều đến như vậy. Và đây có vẻ cũng là một “nút tháo” bởi các giải thưởng sẽ được tính điểm trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sau những “ì xèo” trong việc phong tặng trước đó.
Cảnh trong vở kịch hình thể “Người trong biển lửa” .
Ảnh: Cảnh Vũ
NSND Phạm Thị Thành nhận xét: “Về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung, các sáng tạo tìm tòi về những hình thức biểu hiện cho các vở diễn đều tìm được cái mới, nhiều sáng tạo rất là tốt. Với những thành công của Liên hoan về hình tượng của người chiến sĩ CAND cuộc thi đã ngày càng khẳng định được thương hiệu”.
Đặc biệt, một điểm nhấn chính xác về kết quả của cuộc thi đó chính là sự quan tâm, hưởng ứng từ khán giả. Trong suốt 2 tuần diễn ra Liên hoan, bất kể ngày thường hay ngày nghỉ hầu như khán phòng của Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ luôn chật kín khán giả. Hầu hết, những vở diễn của đơn vị nghệ thuật “hàng đầu” như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn kịch CAND đã tạo nên sự “sốt vé” hiếm gặp ở sân khấu Thủ đô. Với những cái tên như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng hay các tác phẩm của nhà văn Lưu Quang Vũ, Chu Lai… cùng với sự tham gia diễn suất của nhiều diễn viên nổi tiếng, thì những hoài nghi về sự quay lưng của khán giả với các sân khấu nghệ thuật dường như đã được hóa giải.
Ngoài ra, một điểm nhấn tạo nên sự thành công của Liên hoan đó là BTC đã đề ra các tiêu chí cụ thể như là mỗi nhà hát không tham gia quá 2 vở diễn, mỗi tác giả có không quá 3 kịch bản được dàn dựng, mỗi đạo diễn tham gia sáng tạo không quá 3 vở diễn. Qua đó, khoảng cách về vùng miền, sự chênh lệch giữa các đơn vị nghệ thuật thuật Trung ương và các địa phương dường như đã đã được dần thu hẹp.
Trong đó, phải kể đến sự tham gia của 4 đơn vị hoạt động sân khấu với mô hình xã hội hóa của TP HCM như một luồng gió mới góp phần mang lại sự trẻ trung, sôi động, đầy màu sắc, phong phú và tính đa dạng của Liên hoan. Ngoài ra, lần đầu tiên xuất hiện vở kịch hình thể “Người trong biển lửa” của đạo diễn - NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) đã tạo nên một điểm nhấn, khơi gợi sự tò mò, hứng thú cho khán giả cũng như các đồng nghiệp sân khấu nói chung.
Chưa kể, bên cạnh sự tham gia của các đạo diễn “lão làng” như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, Liên hoan ghi nhận sự sự đi lên của nhiều đạo diễn trẻ như NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, Bùi Như Lai, Lê Thanh Tùng, Minh Béo... Trong đó, có nhiều đạo diễn lần đầu thử sức với loại đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an vốn được coi là khá gai góc, thời sự và bước đầu đạt được những thành công nhất định.
Theo đạo diễn, NSND Lê Hùng: “Các kỳ Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND, về thể loại thì đa dạng, phong phú, các tác phẩm cũng đã phản ánh được cuộc sống hiện tại của các chiến sĩ công an, đầy gian khổ, không kém phần nguy hiểm có lúc phải đánh đổi cả tính mạng, xương máu, để giữ gìn bình yên cho cuộc sống. Đây là một sân chơi không chỉ dành cho các nghệ sĩ trong lực lượng công an, mà trên toàn quốc quan tâm tới ngành công an, để gắn kết, hòa quyện với nhau giữa người chiến sĩ công an và nhân dân”.