Liên tiếp các vụ lừa đảo huy động vốn: Chiêu cũ, nạn nhân mới

LÊ ANH 14/07/2023 07:26

Dù đã được cảnh báo rất nhiều về các chiêu trò lừa đảo huy động vốn để chiếm đoạt tiền, tài sản, thế nhưng gần đây vẫn có hàng trăm nạn nhân đến Công an TPHCM để trình báo và tố giác tội phạm này. Vào cuộc điều tra, công an đã khởi tố nhiều vụ án, số tiền thiệt hại nạn nhân khai báo lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Công an TPHCM khám xét một tòa nhà có các công ty hoạt động lừa đảo tín dụng đen tại quận Tân Bình (TPHCM). Ảnh: CACC.

“Mồi câu” lợi nhuận khủng

Ông Đ.H.Q. (65 tuổi, trú quận 10, TPHCM) là một nạn nhân mới đây của nạn lừa đảo qua hình thức huy động vốn. Điều đáng nói, khi nhiều lần liên hệ, kể cả tìm đến trụ sở của công ty địa chỉ 132 - 134 Điện Biên Phủ (quận 1, TPHCM), ông Q. và nhiều nạn nhân khác không gặp được lãnh đạo công ty để đòi tiền mới biết mình bị lừa. Ông Q. đã gửi đơn đến Công an TPHCM tố giác ông Lê Khánh Trình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Tiền) và ông Khiếu Xuân Khương (Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Tiền) có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua tiếp nhận đơn tố giác của công dân, Công an TPHCM vào cuộc điều tra, đã phát hiện hành vi phạm tội như tố cáo của nhiều nạn nhân. Ngày 14/6, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động đầu tư vào Công ty Trường Tiền.

Theo cơ quan công an, không chỉ có hàng chục nạn nhân ở TPHCM mà công ty này còn huy động đầu tư của nhiều người ở Hà Nội, Đồng Nai, Bình Thuận và một số địa phương khác.

Theo nhận định, thủ đoạn lừa đảo qua huy động đầu tư không mới, trong đó nội dung tố giác của nhiều nạn nhân phản ánh, từ cuối năm 2018, Tập đoàn Trường Tiền đã đưa ra các gói đầu tư lợi nhuận khủng để lừa ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với nhiều cá nhân. Sau đó, khách hàng được yêu cầu chuyển tiền cho công ty này theo hợp đồng. Nhận được tiền, Tập đoàn Trường Tiền hứa chi trả lợi nhuận cho khách hàng theo hợp đồng, tuy nhiên chỉ thực hiện được thời gian ngắn rồi đơn phương ngừng chi trả.

Theo cơ quan CSĐT, đã có khoảng 200 người tố cáo Tập đoàn Trường Tiền chiếm đoạt số tiền lên đến gần 180 tỷ đồng. Do phía công ty này liên tục có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm nên hiện tại Công an TPHCM đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình tiếp tục mở rộng để điều tra.

Cũng với chiêu trò cam kết đem đến lợi nhuận, lãi suất khủng với vốn thấp, hàng trăm khách hàng của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Tín (trụ sở tại tầng 2, chung cư H3, số 384 đường Hoàng Diệu, quận 4, TPHCM do ông Nguyễn Đức Thọ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) mới đây cũng nộp đơn tố giác tập thể về dấu hiệu lừa đảo huy động vốn của công ty này đến Công an TPHCM.

Cơ quan CSĐT nhận định, đối tượng bị tố giác đã lợi dụng tư cách pháp nhân để ký hợp đồng kinh tế, sau đó không thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đơn tố giác của bà T.T.M.S. (SN 1948, trú phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) cho biết, bà được công ty này giới thiệu đang huy động vốn thông qua hợp tác đầu tư với lãi suất từ 10-21%/năm, tùy số tiền đầu tư. Khoản lợi nhuận được Công ty An Tín trả cho người đầu tư hàng tháng, thời gian hoàn trả vốn sau khi kết thúc thời gian hợp đồng. Bà M.S. đã nhanh chóng tin theo và quyết định chuyển tiền cho phía công ty tham gia gói đầu tư “lãi suất hời” kể trên.

Theo bà S., từ tháng 9/2022 đến nay đã quá hạn một thời gian dài nhưng phía Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Tín vẫn chưa trả số tiền góp vốn cá nhân của tôi, cũng chưa trả đúng phần lãi suất đã cam kết với khách hàng.

Cũng như ông Q. và bà S. nhiều nạn nhân sau thời gian dài không thấy phía công ty trả vốn hoặc lãi suất theo cam kết hợp đồng mới tìm đến cơ quan chức năng trình báo với mong muốn đòi lại được tiền.

Đáng chú ý khi nhiều nạn nhân của vụ việc là cán bộ hưu trí, với số tiền tích cóp ít ỏi trong hàng chục năm công tác, đã tin tưởng vào việc huy động vốn của công ty và chuyển từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng cho các lãnh đạo công ty tài chính “ma”.

Theo cơ quan chức năng, tổng số tiền các nạn nhân đã đem hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Tín đã lên đến 28,48 tỷ đồng. Trong đó, có nạn nhân chọn gói đầu tư nhiều nhất lên đến 3,8 tỷ đồng và người ít nhất cũng đã bỏ ra 50 triệu đồng.

Tòa nhà văn phòng Thủy Lợi tại quận Bình Thạnh (TPHCM), nơi núp bóng hoạt động tội phạm tín dụng đen của 6 công ty vừa bị Công an TPHCM triệt phá.

Chặn kẽ hở huy động vốn tràn lan

Công an TPHCM nhận định, phải ngăn chặn ngay từ đầu các hoạt động đầu tư, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là các hình thức huy động vốn không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành và tình trạng “lách luật” quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động.

TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho biết, các đối tượng tội phạm ngày càng có xu hướng tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo… để lừa tiền, tài sản xuyên biên giới của nhiều nạn nhân khác nhau.

Lấy dẫn chứng từ vụ Tập đoàn Địa ốc Alibaba lừa đảo số nạn nhân lên đến hơn 6.700 người, hầu hết là khách hàng trực tiếp, với số tiền chiếm đoạt lên đến 2.500 tỷ đồng, bà Sâm cho rằng, thiệt hại trước hết là các nạn nhân là khách hàng, nhưng các địa phương (có dự án của công ty lừa đảo) cũng phải chịu thiệt hại.

Trong khi đó, Trung tá Trịnh Khánh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, Công an thành phố đang thực hiện quyết liệt các phương án ngăn chặn các loại tội phạm. Lực lượng cảnh sát hình sự thành phố đã có sự chủ động nhận diện, rà soát chiêu trò, thủ đoạn tội phạm để có giải pháp ngăn chặn.

Trung tá Hùng cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản của chính mình, đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác tội phạm khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo ngay từ đầu. Nhờ đó, công an sẽ có sự can thiệp, truy xét, sớm điều tra, khám phá vụ án.

Liên quan đến lừa đảo huy động vốn qua không gian mạng, Thượng tá Lê Minh Hải - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM cũng cho rằng, loại tội phạm lừa đảo này đang ngày càng phức tạp do sự phát triển của internet. Thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo qua mạng thường mạo danh pháp nhân của cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án,… để đánh vào lòng tin của nạn nhân.

Thời gian qua, công an phát hiện có hình thức tội phạm tạo ví điện tử trùng tên với nạn nhân, sau đó tạo lập các đường link giả mạo doanh nghiệp nổi tiếng, ngân hàng để gây nhầm lẫn, lôi kéo đầu tư tài chính, lừa đảo huy động vốn,... để chiếm đoạt tài sản. Thượng tá Lê Minh Hải - Phó trưởng Phòng PA05, Công an TPHCM cảnh báo người dân cần đặc biệt cảnh giác, không tham gia các lời mời chào “việc nhẹ, lượng cao” hay huy động vốn lãi suất/lợi nhuận cao. Đối với các thông tin cá nhân, nhất là tài khoản ngân hàng, căn cước công dân không nên công khai trên mạng xã hội hay cung cấp cho đối tượng lạ mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên tiếp các vụ lừa đảo huy động vốn: Chiêu cũ, nạn nhân mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO