Lấn chiếm đất nông nghiệp, đổ thải sai quy định, tập kết sản phẩm trên đất chưa có phép… nhiều doanh nghiệp khai thác khoảng sản trên địa bàn Nghệ An bị xử phạt.
Trong 3 năm qua, liên tiếp xảy ra tình trạng các doanh nghiệp khai thác khoảng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí sử dụng nhiều diện tích đất mà chưa được cơ quan chức năng cho phép, dẫn đến thất thoát phí tài nguyên, khó khăn trong công tác quản lý.
Mới đây UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát (Công ty Kiều Phát) có địa chỉ tại Mỏ Thung Xán II, xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với số tiền 320 triệu đồng do vi phạm 3 hành vi trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cụ thể, Công ty Kiều Phát đã lấn chiếm 32.000m2 đất nông nghiệp, trong đó bao gồm 16.000m2 đất rừng sản xuất tại phía Đông khu vực mỏ (giáp mốc số M3-M4) ở Thung Xán II, xã Liên Hợp. Tại đây, công ty đã đổ đất đá thải và tập kết sản phẩm mà không được cơ quan nhà nước cấp phép thuê đất.
Ngoài ra, công ty còn sử dụng 16.000m2 đất rừng sản xuất tại phía Nam khu vực mỏ (giáp mốc số MI1-MI) để làm văn phòng mỏ, bãi tập kết sản phẩm và bãi thải mà không có sự cho phép từ cơ quan chức năng về việc thuê đất. Với những vi phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt công ty 210 triệu đồng. Công ty cũng bị buộc khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu và trả lại phần đất đã lấn chiếm.
Tiếp đó, với hành vi lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản không đầy đủ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, báo cáo năm 2022 thiếu thông tin về trữ lượng còn lại, không có số liệu thống kê tại thời điểm lập báo cáo, và việc thống kê không dựa trên thông tin từ bản đồ hiện trạng cùng bản vẽ mặt cắt. Với vi phạm này, doanh nghiệp bị xử phạt 30 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Kiều Phát còn bị phạt 80 triệu đồng do không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ và tài liệu liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Công ty phải nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp là 128 triệu đồng. Tổng số tiền mà Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát phải nộp vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, bao gồm cả tiền phạt và số tiền thu lợi bất chính, là 448 triệu đồng.
Với những hành vi tương tự, Công ty TNHH Hợp Thịnh có địa chỉ tại Khu Tiểu thủ công nghiệp, thị trấn Quỳ Hợp, cũng vừa bị tỉnh Nghệ An xử phạt 355 triệu đồng. Cụ thể, với hành vi lẫn chiếm hơn 1,7ha đất rừng, được quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định sổ 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công ty Hợp Thịnh bị phạt tiền với mức phạt 210 triệu đồng.
Với hành vi như lập báo cáo thống kê, kiểm kê trừ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác mà không đầy đủ; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm…, doanh nghiệp này bị phạt tiền với mức phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Hợp Thịnh còn bị phạt 80 triệu đồng với hành vi khai thác không đúng hệ thống mở vỉa được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 38 Nghị định số 36 ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Tổng hợp 4 hành vi vi phạm, doanh nghiệp bị nộp tổng tiền phạt là 355 triệu đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 330 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Xây dựng Văn Sơn, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Cụ thể, mỏ đá này đã lấn, chiếm hơn 63.000m2 đất đồi núi chưa sử dụng tại khu vực nông thôn. Trong đó, làm văn phòng, trạm nghiền, bãi tập kết (diện tích 2.800m2); khai thác khoáng sản (diện tích 60.646,8m2) tại khu vực lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn. Với hành vi này, UBND huyện Quỳnh Lưu đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đá lấn, chiếm.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện, công ty đã khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Cụ thể, công ty khai thác vượt ranh giới cấp phép là 1,48ha so với giấy phép. Với hành vi này, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 250 triệu đồng, buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Không chỉ lấn chiếm đất nông nghiệp, đổ thải sai quy định mà thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp còn khai thác ngoài ranh giới được cấp mỏ. Những hành vi này, cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm triệu đồng.