Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, ngành văn hóa, giải trí cũng không ngoại lệ.
Có thể nói, 2021 là năm nhiều khó khăn của giới giải trí Việt. Nhiều “ông lớn” trong thị trường giải trí hay phát hành và chiếu phim rơi vào tình trạng điêu đứng. Đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hai thị trường giải trí lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải ngưng trệ trong suốt thời gian dài.
Gồng mình qua đại dịch
Năm qua, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 khiến hoạt động văn hóa, giải trí trong nước bị ngưng trệ, điêu đứng.
Với đặc thù của lĩnh vực liên quan tới tập trung đông người, không phải thiết yếu để được ưu tiên hỗ trợ, nên lĩnh vực này đang chịu nhiều ảnh hưởng và hướng phục hồi còn mịt mù. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vui chơi, giải trí, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải tạm dừng tổ chức và không được tập trung đông người. Đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà hát không có doanh thu biểu diễn phải cắt giảm diễn viên hợp đồng.
Trong lĩnh vực điện ảnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng doanh thu của ngành nửa đầu các năm 2021, 2020 giảm mạnh so với 2019. Số liệu của trang thống kê độc lập Box Office Việt Nam cho biết doanh số toàn ngành của sáu tháng đầu năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng, năm 2020 chỉ đạt 750 tỷ đồng (phải đóng cửa từ 20/3 đến ngày 9/5) còn năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng.
Năm qua, điện ảnh Việt và rạp phim chịu ảnh hưởng nặng nề khi 2 lần đóng cửa các rạp vì Covid-19. Nhiều bộ phim liên tục phải dời lịch chiếu cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Kể từ đầu tháng 5/2021 tới nay, các rạp chiếu phim tại Hà Nội tạm ngừng hoạt động. Đây là thời gian tạm đóng cửa lâu nhất của các rạp phim kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Trong khi đó, dù chưa có ngày được mở cửa trở lại nhưng hiện nay các cụm tạp chiếu phim vẫn đang phải gồng mình chi trả rất nhiều chi phí như tiền điện, tiền thuê mặt bằng, nhân viên…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, không chỉ CGV mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh đều gặp rất nhiều thách thức trong thời kỳ dịch bệnh. Một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp điện ảnh thời điểm này là dòng tiền trong kinh doanh. Doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0. Trong khi đó, rạp chiếu phim vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí trong suốt thời gian rạp phim đóng cửa.
Trăn trở việc thưởng Tết
Không hoạt động trong thời gian dài đồng nghĩa với việc doanh thu gần như bằng 0, vì vậy vấn đề thưởng Tết Nguyên đán là trăn trở của nhiều nghệ sĩ và những người đứng đầu các công ty hoạt động trong lĩnh vực giải trí, văn hóa trong nước.
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng năm nay NSƯT Nguyệt Hằng vẫn nhận được tiền thưởng Tết của Nhà hát Tuổi trẻ như năm ngoái. Tuy nhiên, NSƯT Nguyệt Hằng chia sẻ, nếu như mọi năm, Tết là thời điểm các nghệ sĩ bận bịu với các show diễn cuối năm thì năm nay mọi chương trình gần như phải dừng lại.
“Không được đi diễn nên Tết năm nay là một năm kinh tế buồn của hầu hết nghệ sĩ chúng tôi. Vừa lo phòng chống dịch bệnh, vừa lo kiếm thêm để có thêm thu nhập, đồng nghiệp của tôi có người đuối sức, tinh thần giảm sút. Mong rằng năm mới dịch bệnh sẽ qua đi để sân khấu được sáng đèn trở lại, nghệ sĩ lại được thăng hoa, cháy hết mình vì nghệ thuật”, NSƯT Nguyệt Hằng cho hay.
Là một trong những doanh nghiệp thành công trong đầu tư kinh doanh lĩnh vực văn hóa thế nhưng do dịch bệnh, năm qua, Công ty Cổ phần Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô (Đông Đô show) cũng phải tạm dừng, hủy nhiều chương trình, show diễn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Đông Đô show cho biết, tác động của dịch bệnh gây khó khăn chung cho mọi lĩnh vực, ngành nghề. Trong tình trạng chung đó, công ty của bà cũng có nhiều ảnh hưởng. Năm qua, công ty sẵn sàng hủy các show để thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, để không bị khó khăn cản trở đời sống cán bộ, nhân viên, công ty đã chuyển hướng hoạt động, chung tay cùng nhiều nghệ sĩ tìm giải pháp vượt qua khó khăn, tạo ra những giá trị tốt hơn. Một trong những hoạt động đấy là bán tranh. Gần đây nhất, bà Hoài Oanh đã phóng tác bằng ruby tác phẩm Gia đình Hổ của họa sĩ Vương Linh, tạo nên một tác phẩm rực rỡ đón xuân.
Chia sẻ về việc thưởng Tết Nguyên đán cho nhân viên, bà Oanh cho biết, dù lợi nhuận công ty có sụt giảm nhưng năm nay tiền lương, thưởng Tết của nhân viên vẫn bảo đảm.
Tuy nhiên, bà Oanh cũng cho hay: “Nhân viên công ty cũng san sẻ khó khăn chung của công ty. Trước mắt có thể chưa nhận đủ 100% tiền thưởng Tết nhưng khi công ty hoạt động tốt trở lại, chúng tôi sẽ trả đủ tiền thưởng cho nhân viên. Không chỉ có Đông Đô show mà một số công ty giải trí khác cũng tương tự như vậy. Trong khó khăn, chúng tôi vẫn cùng nhau vượt qua và chờ đợi một năm mới khởi sắc”.