Văn hóa

Linh thiêng Lễ hội cầu ngư của người dân ven biển Hải Khê

Nghĩa Văn 11/02/2024 10:35

Cầu ngư là lễ hội đặc trưng của người dân vùng ven biển. Qua lễ hội, ngư dân bày tỏ lòng biết ơn với biển cả đồng thời cầu mong, một năm mới mưa thuận, gió hòa.

Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho hay, vào Rằm tháng Giêng (ngày 15/1 âm lịch) hằng năm, người dân trên địa bàn tổ chức lễ hội cầu ngư để cảm ơn biển cả đã cho họ tôm, cá… đồng thời cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, bình an trong mỗi chuyến ra khơi và bội thu khi đánh bắt thủy hải sản.

tram-nam-1.jpg
Lễ hội cầu ngư ở thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng). Ảnh: H.A.

Chia sẻ về lễ hội cầu ngư, ông Trương Minh Quê (72 tuổi, trú tại thôn Thâm Khê, xã Hải Khê) cho biết, lễ hội này đã có từ xa xưa và được các thế hệ nối tiếp nhau thực hiện.

Theo đó, để lễ hội diễn ra trang trọng, trước dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các vị bô lão, cao niên trong thôn sẽ họp mặt bàn bạc và thống nhất phân công công việc chuẩn bị cho buổi lễ. Trong đó, trước ngày diễn ra lễ cầu ngư, trai tráng trong thôn sẽ được huy động xuống bờ biển để dựng rạp và chuẩn bị những cơ sở vật chất phục vụ trong buổi lễ.

Lão ngư Trương Minh Quê cho biết thêm, sáng sớm Rằm tháng Giêng, các vị cao niên, bô lão đại diện cho các họ tộc của thôn đến nơi diễn ra buổi lễ sửa soạn, bày biện đồ vật dâng cúng. Lễ cầu ngư ở thôn Thâm Khê sẽ gồm: phần lễ (lễ nghinh thần, lễ tế giang sơn…) để cầu khẩn trời đất, biển cả cho họ một năm mưa thuận, gió hòa, ngư dân bình an trong các chuyến ra khơi và đánh bắt tôm, cá… được đầy khoang thuyền; phần hội, thường diễn ra đấu vật truyền thống, với sự tham dự của hàng chục đô vật cùng đông đảo người dân đến xem tạo nên không khí tươi vui, phấn khởi trong dịp đầu năm mới.

“Đấu vật sẽ kết thúc sau khi tìm ra được người chiến thắng cuối cùng. Nói về vật chất, giải thưởng trao trong đấu vật thường không cao nhưng nó có ý nghĩa tinh thần rất lớn, tạo ra sân chơi lành mạnh, không khí vui vẻ, rộng ràng dịp đầu năm mới và thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển”, lão ngư Trương Minh Quê chia sẻ.

Ông Phan Thanh Sỏ (77 tuổi, trú thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng) cho biết thêm, người dân địa phương và nhiều vùng lân cận thường kết hợp phong tục cúng cá Ông (cá Voi) trong lễ cầu ngư.

Ngư dân ven biển vẫn truyền tai nhau rằng, cá Ông đã cứu giúp rất nhiều người gặp khó khăn, hoạn nạn trong lúc đi biển. Ví như, cá Ông thường xuất hiện trong lúc “giông tố mù trời” để đưa ngư dân cũng như thuyền bè vào bờ an toàn.

Đáp đền lại ân tình đó, ngư dân sẽ nhẹ nhàng gỡ và thả ra nếu chẳng may cá Ông mắc lưới của họ. Trường hợp gặp cá Ông đã chết, người ta sẽ đưa vào bờ và an táng vô cùng long trọng. Ngư dân cũng quan niệm rằng, nơi nào cá Ông chết trôi dạt vào (người dân gọi là “lụy bờ”) thì đó là điềm lành, là phúc đến, bởi làng biển ấy được cá Ông tin tưởng chọn làm nơi yên nghỉ và phó thác việc an táng.

Cũng theo ông Phan Thanh Sỏ, xưa kia, việc an táng cho cá Ông thường diễn ra trong vòng 3 ngày liên tục với nghi lễ được áp dụng như khi bậc trưởng lão uy tín trong làng khi qua đời. Ngày nay, việc an táng ấy được thực hiện gọn nhẹ hơn nhưng không vì đó mà lòng tôn kính, yêu mến của ngư dân dành cho cá Ông bị thuyên giảm.

“Ở làng Mỹ Thủy hiện có miếu thờ cá Ông và được dân làng Mỹ Thủy thờ cúng tôn nghiêm. Ngư dân vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng thường cúng cá Ông vào dịp lễ “mở biển” đầu năm”, lão ngư Phan Thanh Sỏ cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Hải An Lê Bá Phước cho hay, lễ hội cầu ngư và tục thờ cúng cá Ông được người dân duy trì từ bao đời nay. Lễ hội tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp đầu năm mới. Qua lễ hội, ngư dân bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với trời đất, biển cả, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa và bình an mỗi khi ra khơi đánh bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh thiêng Lễ hội cầu ngư của người dân ven biển Hải Khê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO