Sức khỏe

Lo lắng, trầm cảm tăng sau kỳ nghỉ Tết: Chuyện thật không đùa

Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) 22/02/2024 18:13

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhiều sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung, thậm chí rơi vào trầm cảm khi trở lại công việc.

Nguyên nhân căng thẳng sau nghỉ Tết

Chúng ta thường nghĩ về những kỳ nghỉ Tết với tràn đầy những kỳ vọng, dự đoán, ý tưởng sai lầm rằng nó sẽ rất vui và phấn khích. Nhưng thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 40% số người lại đang trải nghiệm căng thẳng hơn khi bước vào một kỳ nghỉ lễ.

Nghe có vẻ lạ nhưng những lý do hàng đầu khiến cho chúng ta căng thẳng được kể ra là khi nghỉ Tết, chúng ta có quá nhiều thứ phải chuẩn bị dẫn đến thiếu thời gian. Thậm chí có nhiều người thiếu ngủ vì lịch trình lễ Tết bận rộn làm tăng thêm mức độ căng thẳng sau khi kỳ nghỉ kết thúc.

anh-chup-man-hinh-2024-02-22-luc-16.06.24.png
PGS.TS Trần Thành Nam.

Nghỉ Tết là dịp phải mua sắm rất nhiều khiến chúng ta mất cân bằng tài chính. Rồi lễ Tết là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, kết nối, đi thăm viếng nhau và đặt lên vai nhau áp lực tặng quà hay lì xì.

Việc họp mặt gia đình, bạn bè đi kèm với việc ăn uống quá nhiều và sử dụng rượu quá mức khiến bạn phải phá vỡ chế độ ăn uống lành mạnh và trở nên mệt mỏi hơn.

Nhiều người khi nghĩ đến kỳ nghỉ lễ thường dành cho nó quá nhiều kỳ vọng và dự định nhiều lúc không thực tế. Nhiều người cứ tin rằng mình sẽ tranh thủ được thời gian nào đó trong kỳ nghỉ Tết để hoàn thành một số công việc đã chậm tiến độ nhưng cuối cùng không thể làm được khiến cho cảm xúc thất vọng và buồn bã còn tăng lên hơn.

Nhiều người cảm thấy đặc biệt cô đơn hơn trong những kỳ nghỉ Tết, nếu họ vốn là người rụt rè không thể cùng gia đình và bạn bè trải nghiệm những trò vui trong những ngày nghỉ lễ mà chỉ đứng nhìn. Những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cũng có thể hiện về với những người đã trải qua chấn thương tâm lý, nhớ lại những thời khắc ngày lễ trước đây khi người thân yêu còn có mặt bên họ.

Bên cạnh đó, các lễ hội ở khắp mọi nơi, xu hướng thương mại hóa lễ hội làm cho bạn cảm thấy tội lỗi nếu bạn không vui vẻ trong những ngày lễ Tết. Vấn đề là bạn càng cố gắng vui vẻ như một cách để tránh những điều không may mắn, bạn chỉ càng làm cho mình căng thẳng sau đó.

Tất cả những điều trên không chỉ xảy ra với người lớn mà cũng xảy ra với trẻ em. Chúng thậm chí còn có cảm giác choáng ngợp và quá tải hơn cả người lớn vì không thể thích nghi nhanh với những thay đổi quá đột ngột.

Và mặc dù bố mẹ có thể nghĩ lễ Tết sẽ làm con trẻ hài lòng với những món quà, lì xì, đồ ăn ngon và những hoạt động chúng tham dự nhưng thực tế là nhiều trẻ vẫn cảm thấy thất vọng sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Nhiều em báo cáo cảm giác trống rỗng sau khi nghỉ lễ và trở nên lo lắng buồn bã mà không thể nhận ra tại sao chúng lại như vậy.

Nếu không nhận diện sớm và có cách ứng phó đúng đắn với lo lắng trầm cảm trong kỳ nghỉ lễ, chúng ta sẽ khó có thể nhập cuộc trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lễ một cách lành mạnh và hạnh phúc.

Tìm cách thức phù hợp

Để giúp bản thân thoát khỏi sự buồn bã, căng thẳng sau kỳ nghỉ Tết, hãy thử một vài ý tưởng sau đây. Sẽ không có cách nào đúng hay sai mà chỉ là cách thức nào phù hợp với bạn và có thể mang lại những cải thiện cảm xúc tốt hơn.

Đầu tiên là bạn hãy chấp nhận và cho phép mình được thể hiện cảm xúc buồn bã. Thực tế chúng ta càng cố quên đi những cảm xúc tiêu cực thì sẽ càng nhớ thêm. Hãy chấp nhận rằng cứ đến kỳ nghỉ Tết là bạn có thể sẽ nhớ về những người thân yêu đã không còn bên cạnh. Điều này là hoàn toàn bình thường và thể hiện bạn là những người giàu cảm xúc. Hãy nói với con bạn rằng đôi lúc chúng ta có thể cảm thấy lạc lõng, con thậm chí được phép khóc mà không cần phải ép bản thân phải vui vẻ chỉ vì đang là những ngày lễ.

Nếu bạn cảm thấy cô đơn và chán ngấy với những mẹo mực thương mại của những ngày lễ. Bạn có thể chủ động lên kế hoạch cho một buổi gặp mặt đại gia đình mà mỗi người sẽ mang theo một món quà tự làm để trao đổi thay vì những món quà na ná nhau được mua ngoài chợ. Điều này cũng tốt cho con bạn.

Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng sau những ngày nghỉ Tết, việc trò chuyện với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình về mối bận tâm của bạn cũng có thể hữu ích. Hãy thử nhắn tin, gọi điện hoặc trò chuyện video với họ.

Tham gia tình nguyện hoặc làm điều gì đó để chia sẻ, giúp đỡ người khác sau dịp nghỉ Tết cũng là một cách hiệu quả để nâng cao tinh thần của bạn và giúp làm quen thêm nhiều bạn bè mới.

Đây cũng chính là cách để giúp con tìm hiểu về thế giới xung quanh và nhận ra rằng nhiều người đang phải vật lộn với cuộc sống chứ không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như chúng. Hãy để cho con biết rằng đồ chơi và quà tặng rất tuyệt nhưng không phải ai cũng có được mọi thứ chúng muốn. Vì vậy, thay vì đòi hỏi các món quà hay tập trung vào số tiền lì xì nhận được, chúng sẽ hướng sự chú ý sang những cách thức để giúp đỡ những đứa trẻ khác kém may mắn hơn chúng.

Sau những ngày lễ Tết, chúng ta càng phải chú ý đến những thói quen lành mạnh như vẫn phải duy trì tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn đúng độ và hạn chế đồ uống có cồn.

Còn đối với trẻ, đừng quên rằng các em sẽ cần có một thời gian để lắng lại và trở về nề nếp học đường khi kỳ nghỉ lễ kết thúc. Hãy ngồi lại với con nói về những kế hoạch quay lại trường học, cùng nhau xếp lại góc học tập, chuẩn bị sách vở cho học kỳ mới và thảo luận về kế hoạch trẻ sẽ quay lại trường thế nào với những hoạt động vui như thế nào.

Nếu cảm thấy quá tải với các hoạt động sau kỳ nghỉ Tết, cần nhận ra là chúng ta có thể nói không và từ chối những lời mời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo lắng, trầm cảm tăng sau kỳ nghỉ Tết: Chuyện thật không đùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO