Là các ứng dụng được cấp phép để vận tải hành khách công cộng, các xe có liên kết với dịch vụ như Grab, Go-Viet, … hiện nay đang hoạt động khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa nắm rõ số lượng các xe tham gia hoạt động vận tải chở khách.
Đặc biệt, hậu quả của tình trạng đã kéo theo nhiều hệ luỵ, làm vỡ quy hoạch tổng số lượng xe cá nhân dưới 9 chỗ tham gia vận tải hành khách công cộng và gây ùn tắc, kẹt xe.
Theo quy hoạch, số lượng xe vận tải cá nhân công cộng (taxi) dưới 9 chỗ được phép hoạt động ở TP HCM do sở GTVT đưa ra tới năm 2020 là khoảng 14.500 xe và năm 2025 là 16.500 xe. Tuy nhiên, thống kê hết năm 2018 thì số lượng xe tham gia hoạt động của các ứng dụng trên địa bàn thành phố đã là 34.500, cao hơn gấp 2 lần số lượng được quy hoạch của năm 2025. Tất nhiên không phải tất cả các xe đã đăng ký tham gia chạy ứng dụng trong số 34.500 xe trên đều ra đường hoạt động hàng ngày mà thực tế, nhiều chủ xe đăng ký chạy một thời gian rồi bỏ hoặc đăng ký chạy dịp cuối tuần, chạy khi có thời gian. Chính việc không nắm rõ được số lượng tham gia hoạt động vận tải trực tiếp ở thành phố đã gây ra nhiều hệ luỵ, khiến tình hình an toàn giao thông ngày càng thêm phức tạp hơn.
Theo các chuyên gia về giao thông, các loại hình xe vận tải dưới 9 chỗ ở TP HCM có sử dụng công nghệ internet kết nối, tìm kiếm khách hàng về nguyên tắc được coi như xe cá nhân. Thậm chí chủ các xe này chỉ cần đăng ký với dịch vụ cung cấp phần mềm kết nối là có thể chở khách, thu tiền để biến thành xe công cộng. Ngược lại, các chủ xe chỉ cần thao tác nhỏ, tắt App kết nối trên điện thoại, thì phương tiện đó lại trở thành xe cá nhân.
Chính vì việc biến xe cá nhân thành xe công cộng và ngược lại rất dễ dàng nên tổng số xe vận tải ở TP HCM hiện nay không kiểm soát được. Sau khi hết thời hạn thí điểm cho phép các ứng dụng chạy xe hoạt động đã gần 3 năm nhưng Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được khung quản lý mới. Vì thế, trong khi chờ đợi, các công ty công nghệ này có thể thoải mái đăng ký, kết nối cho các xe hơi cá nhân làm công việc vận tải công cộng. Do nhu cầu ở TP HCM rất lớn, nhiều xe ở các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… cũng được chủ xe đưa lên TP HCM đăng ký kinh doanh để hoạt động khiến tình hình giao thông ở thành phố thêm phức tạp. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe hiện xảy ra quá nhiều, ở bất cứ tuyến đường nào, trong nhiều khung giờ khác nhau chứ không chỉ ở các “điểm đen” hay giờ cao điểm như trước.