Lo ngại chất lượng trung tâm đăng kiểm

Hạnh Nhân 05/10/2020 09:00

Từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng có thêm 2,5 trung tâm đăng kiểm mới được đưa vào hoạt động. Việc thành lập các trung tâm này khá dễ dàng, nhưng điều đó cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng đăng kiểm sẽ như thế nào nếu các đơn vị kiểm tra phương tiện cũng làm qua quýt để “giữ khách”?

Một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội.

9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 23 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng và đi vào hoạt động, nâng tổng số đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc lên 227 trung tâm, chi nhánh, với 429 dây chuyền kiểm định. Tính ra trong 9 tháng đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng có thêm 2,5 trung tâm đăng kiểm mới được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, hiện còn có 42 đơn vị đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm mới, đã được cấp mã số đơn vị đăng kiểm và đang trong thời gian xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trước đó, theo quy định tại Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, việc đầu tư trung tâm đăng kiểm mới không bị giới hạn về số lượng như theo quy hoạch trước đây.

Việc không giới hạn số lượng trung tâm đăng kiểm đã dẫn tới việc chưa khi nào việc thành lập trung tâm đăng kiểm dễ như hiện nay. Nhà đầu tư chỉ cần huy động vài tỷ đồng, cần tìm được mặt bằng để máy móc kiểm tra phương tiện là thành trung tâm đăng kiểm.

Số lượng đơn vị đăng kiểm tăng nhanh thuận tiện cho người dân, nhưng đang khiến nhiều trung tâm giảm rõ rệt số lượng xe và họ phải tìm mọi cách cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Và một trong những cách đó chính là việc bỏ qua tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng, tìm kiếm doanh thu, thậm chí cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm như trường hợp Trung tâm Đăng kiểm 98-03D Bắc Giang bị đóng cửa cách đây vài tháng. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ.

Một số ý kiến cho rằng, xã hội hóa Trung tâm đăng kiểm là một xu hướng đúng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này, việc nở rộ các Trung tâm đăng kiểm không đi kèm với các hoạt động thanh tra, kiểm soát hoạt động đăng kiểm tương ứng nên dẫn đến những khó khăn trong quá trình kiểm tra, quản lý. Trong khi đó, kiểm định chất lượng phương tiện giao thông là cách thức để kiểm soát mức độ an toàn phương tiện. Nếu quá trình kiểm định bị buông lỏng, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đề cập tới vấn đề trên, TS Đỗ Khắc Sơn, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, quá trình xã hội hóa Trung tâm đăng kiểm có thể xảy ra tình trạng, chạy theo mục tiêu lợi ích hơn là mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường và cả sự thiếu hiểu biết của chủ đầu tư.

“Bản thân có thể người ta có tiền để đầu tư, nhưng người ta không hiểu những quy định chặt chẽ của quy trình quy trình thực hiện đăng kiểm nên dễ bị các nhân viên dưới quyền “lách luật” hoặc cố tình làm sai”, TS. Sơn lý giải.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận: Việc bỏ quy hoạch dẫn đến số lượng các trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh, phân bổ không đều, khiến cung và cầu không tương đương nhau. Khi cung vượt cầu, doanh nghiệp không có lãi, dễ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bớt xén quy trình, tiêu chuẩn kiểm định, để thu hút xe đến đăng kiểm.

Bởi vậy, nhà quản lý nên tính toán lại, bởi nếu còn buông lỏng, nguy cơ mất an toàn trên những cung đường sẽ luôn hiện hữu.

Từ năm 2019 đến nay, toàn quốc tăng thêm 55 trung tâm đăng kiểm được cấp giấy phép đi vào hoạt động (năm 2019 có 32 đơn vị). Hiện Hà Nội có nhiều trung tâm đăng kiểm nhất cả nước (27 đơn vị), TP HCM (17 đơn vị). Số địa phương có từ 5 trung tâm đăng kiểm trở lên tăng nhanh như: Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai... tạo sự cạnh tranh trong dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại chất lượng trung tâm đăng kiểm