Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT đang đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, điều khiến dư luận băn khoăn là chất lượng tuyển sinh. Việc có hay không tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển này đang là câu hỏi được đặt ra.
Đánh đổi chất lượng chạy theo chỉ tiêu?
Mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh riêng, trong đó dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Phương thức tuyển sinh này đang đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều khi mà điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường đại học tăng mạnh so với năm trước. Thậm chí, không ít thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn trượt đại học.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, phương thức xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giáo viên THPT nhẹ tay với học sinh của mình, thậm chí có tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ.
Lý giải về tình trạng điểm chuẩn tăng chóng mặt trong mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nêu ra 3 nguyên nhân chính. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do số lượng trường sử dụng phương thức xét học bạ tăng, tác động đến tâm lý giáo viên các trường cấp THPT. Thầy cô cố gắng giúp đỡ các em nên có xu hướng nới lỏng, nâng điểm cho học sinh, khiến điểm học bạ tăng.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, chuyện sửa, nâng điểm “làm đẹp” học bạ THPT, đặc biệt học bạ lớp 12, từ lâu đã dấy lên lo ngại trong dư luận.
Việc xét tuyển đại học bằng học bạ có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó. Đặc biệt, khi các trường đại học mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Về vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online mới đây, TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, mỗi một phương thức tuyển sinh đều có ưu điểm và nhược điểm.
Năm nay là năm thứ 3, trường sử dụng kết quả học THPT vào xét tuyển. Ông Thạc đánh giá, không phải tất cả các em có điểm học bạ tốt đều có năng lực tốt. Và ở bất kể phương thức nào cũng có em thế này, em thế khác. Nhưng khi vào trường đại học, các em không có năng lực sẽ tự đào thải. Cho nên chúng ta nên tin tưởng vào quá trình sàng lọc của các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Về phía các trường THPT, theo ông Thạc, các thầy cô như những người cha người mẹ của học sinh. Thầy cô làm mọi cách để ôn luyện, quan tâm tới việc học của các em như chính con mình nên ai cũng sẽ mong muốn các con có cơ hội tốt trong tương lai. Việc đâu đó có sự nâng đỡ không thể tránh khỏi.
“Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào các thầy cô phổ thông luôn là những người đặt nền móng để các em bước tiếp. Trong thời gian tới, chắc chắn rằng với sự lãnh đạo của Bộ GDĐT, các trường, thầy cô có nhìn nhận đúng đắn hơn để giúp các em có hành trang tốt nhất để tiến thân lập nghiệp”, ông Thạc nói.
Cần có các tiêu chí phụ
Thực tế, điểm số trong học bạ của học sinh THPT ở mỗi địa phương, mỗi trường đều có sự chênh nhau so với kết quả học tập thực sự của học sinh. Thực trạng này cũng do quan điểm đánh giá kết quả học tập và cách quản lý của từng địa phương, từng trường khác nhau.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, điểm học bạ chỉ thể hiện rõ năng lực của học sinh khi có tiêu chí rõ ràng, được so sánh cùng một thời điểm, một mặt bằng, một giáo viên. Còn trong thực tế hiện nay, thì tiêu chí đánh giá, cho điểm của mỗi trường, mỗi thầy cô đều khác nhau. Thậm chí, trong cùng một lớp học có tình trạng một giáo viên cho điểm học sinh theo cảm tính.
Bởi vậy, theo bà An, việc so sánh điểm học bạ với lực học của học sinh chỉ là tương đối chứ không chuẩn xác; đồng nghĩa với phương thức xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ THPT cũng không chuẩn xác.
Qua theo dõi những năm qua, nhất là mùa tuyển sinh năm nay, bà An nhận thấy, có địa phương điểm học bạ rất cao nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT thực chất lại thấp và ngược lại. Thực tế này cho thấy, việc cho điểm học bạ không chính xác.
“Xét theo tình hình chung đã thấy những bất cập, chưa kể đến chuyện “làm đẹp”, “mua điểm” học bạ. Một tiêu chí chưa chuẩn xác là một phương thức xét tuyển đại học riêng thì tôi e rằng không công bằng, không thực chất với năng lực của học sinh, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra, thiệt hại nguồn nhân lực sau này”, bà An nhấn mạnh.
Nhắc tới hiện tượng thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học theo phương thức xét tuyển học bạ, bà An đặt câu hỏi: “Tại sao thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không đỗ đại học. Nguyên nhân là ở đâu?”.
Từ thực tế trên, bà An kiến nghị: “Bộ GDĐT cần khảo sát, đánh giá lại phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT. Điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí chứ không thể là một phương thức xét tuyển riêng để tạo công bằng cho học sinh, tránh mất cơ hội cho những em học sinh giỏi, có năng lực thật, nhất là những em học sinh vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo”.
Để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, các trường nên đưa ra các tiêu chí phụ cùng các yếu tố khác như hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT... Như vậy, có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt của người học.