Bão số 7 mặc dù suy yếu nhưng vẫn gây mưa to gió lớn cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Điều đáng lo ngại là nguồn dữ liệu đầu vào là các trạm khí tượng đo mưa đang rất thiếu. Tính trên 4 lưu vực hồ lớn của miền Bắc là Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, so với quy chuẩn số trạm khí tượng đo mưa còn thiếu tới 355 trạm. Điều này khiến công tác dự báo và vận hành hồ đập rất khó khăn.
Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện có 1.750 hồ chứa vừa và nhỏ, hơn 40 nghìn đập dâng, hàng trăm công trình thủy điện, thủy lợi, hàng chục nghìn công trình tiểu thuỷ nông với tổng diện tích thực tưới 206.037 ha và cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn... Tuy nhiên, nhiều hồ đập hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ.
Với Bắc bộ, khi mưa lũ lớn xảy ra phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, các hồ đập lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có vai trò cốt yếu cho việc cắt lũ ở hạ du. Trong quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) là nơi “phát lệnh” có xả lũ hay không khi mưa lớn xảy ra.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NNPTNT) - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho hay, việc xả hay không xả được thực hiện theo trình tự bắt đầu từ dữ liệu của thực tế các trạm đo mưa và số liệu lưu lượng nước về hồ. Nhưng điều đáng lo ngại là nguồn dữ liệu đầu vào là các trạm khí tượng đo mưa đang rất thiếu. Tính trên 4 lưu vực hồ lớn của miền Bắc là Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, so với quy chuẩn số trạm khí tượng đo mưa còn thiếu tới 355 trạm. Điều này khiến công tác dự báo và vận hành hồ đập rất khó khăn. Do thiếu số liệu thực tế, nên có thời điểm, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phải đưa ra những quyết định chỉ dựa vào kinh nghiệm.
Ngoài ra, hệ thống đê điều, cống và hồ chứa thủy lợi cũng đã xuống cấp. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn khu vực miền Bắc có khoảng 200 chiếc cống trong tổng số hàng nghìn chiếc cống đã hư hỏng, xuống cấp, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Đây là những yết hầu mà khi xảy ra mưa lũ lớn rất dễ dẫn đến sự cố. Và nếu sự cố xảy ra đối với hệ thống đê điều của chúng ta hiện nay thì có thể xem là thảm họa.
Ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT) thông tin: Thực trạng hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố. Đáng lưu ý, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê.
Theo ông Tuyên, những sự cố đê điều này là vô cùng nghiêm trọng, vì vậy, các địa phương cần huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra, bảo đảm chống mưa lũ. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Hiện, để an toàn cho 15 tỉnh, thành Bắc Bộ ở hạ du, tại các điểm xung yếu, các địa phương đã tập kết sẵn vật liệu để hỏng đâu xử lý đó. Nhưng có lẽ đây khó có thể là giải pháp làm lâu dài, nhất là khi biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt mưa ngày càng cực đoan, dữ dội.
Thủy điện Hòa Bình liên tục mở cửa xả đáy
Cơ quan khí tượng dự báo, hoàn lưu bão gây ra đợt mưa rất lớn cho nhiều nơi ở Bắc bộ. Mưa lớn 3 ngày tại miền Bắc (14-16/10) khiến lũ trên các sông ở khu vực lên báo động 2-3, đặc biệt là sông Đà, sông Thao và sông Hoàng Long.
Các tỉnh, thành hạ du thủy điện Hòa Bình được yêu cầu thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản biết thông tin; rà soát phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du.
Trước đó ngày 29/9, thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy, sau đó 3 ngày tiếp tục mở thêm một cửa xả đáy nữa với tổng lượng xả hơn 3.500 m3/s, đến ngày 7/10 thì dừng.
Trưa ngày 10/10 , thuỷ điện Hoà Bình lại mở cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả tới hạ lưu khoảng 3.900 m3/s.