Lò nóng lên thì không ai được đứng ngoài cuộc

H.Vũ 30/11/2017 08:25

Ngày 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4. Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư khẳng định: Trung ương đã có nhiều Nghị quyết nhưng chưa bằng lòng với những gì đạt được dù đã cố gắng làm bài bản hơn, so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh kiên trì và lâu dài nên bước đi cần chắc chắn.


Tổng Bí thư trao đổi với cử tri tại cuộc tiếp xúc hôm 29/11.

Không có vùng cấm nhưng có vùng nể?

Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán (Q.Tây Hồ), chỉ đạo của Tổng Bí thư từ đầu nhiệm kỳ XII cho đến nay trong chống tham nhũng đã cho thấy tâm huyết, trách nhiệm trước đất nước và nhân dân. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ ngành đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng ở dưới làm chưa tốt, còn coi nhẹ. Như vụ thủy điện ở Sơn La có 17 cán bộ bị khởi tố vậy trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch tỉnh Sơn La như thế nào? “Nhân dân thấy vẫn chưa mạnh, đã phát hiện phải xử nghiêm, vi phạm hành chính là kỷ luật, còn vi phạm pháp luật thì xử lý hình sự chứ không nên chỉ cảnh cáo Đảng, rồi chuyển từ nơi này sang nơi khác. Như ông Phạm Sỹ Quý tại Yên Bái bỗng có khối tài sản kếch xù nhưng lại được đưa về làm Phó Chánh văn phòng HĐND. Rất vô lý! Cứ nhẹ nhàng êm ái thế thì không thể giáo dục được cán bộ” - ông Toán nói.

Cho rằng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí đã xử lý nhiều trường hợp, tuy nhiên, cử tri Bùi Đình Chính (Q. Ba Đình) kiến nghị, công tác kiểm tra giám sát phải xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm. Cần hoàn thiện pháp luật về công tác cán bộ, vì cán bộ là nguyên nhân thành hay bại, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của báo chí và nhân dân trong chống tham nhũng.

Cử tri Phan Văn Nhâm (Q.Tây Hồ) cho rằng, nhân dân rất phấn khởi trước quyết tâm của Đảng, các vụ án lớn đã được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt nhưng cử tri còn băn khoăn sau khi kết luận vụ Yên Bái. “Cử tri thấy không yên tâm khi ông Phạm Sỹ Quý vẫn còn tư cách đảng viên, chức vụ chỉ bị xuống cấp 1 tý, nhưng tài sản vẫn còn nguyên. Chúng ta không có vùng cấm nhưng cử tri đặt ra câu hỏi có vùng nể, có vùng tránh hay không?” - ông Nhâm đặt vấn đề. Chống tham nhũng ở trên làm quyết liệt song dưới lại từ từ, tức là “trên nóng, dưới lạnh”. Quốc hội cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vì chống tham nhũng sớm ngày nào tốt ngày đó. Phải không dừng, không ngừng, không nghỉ để bảo vệ chế độ, cán bộ và tài sản quốc gia” - ông Nhâm nói.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc đến: “Dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng quốc nạn tham nhũng lãng phí vẫn đang gây bức xúc trong nhân dân”, cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (Q. Ba Đình) chỉ ra thực tế cái đáng làm mà không làm, không đáng làm nhưng tìm mọi cách để hợp lý hóa trong đó có lợi ích. Từ đó ông Hạc kiến nghị, chống tham nhũng phải làm kiên quyết triệt để từ trên xuống dưới. Chấn chỉnh công tác cán bộ, loại bỏ nạn mua quan bán chức để người tài được trọng dụng. Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, chí công vô tư, là tấm gương để cho cấp dưới noi theo. Như lời Bác Hồ đã từng nói 1 tấm gương sáng bằng 100 bài diễn thuyết. Cán bộ làm được như vậy dân mới tin và nghe theo.

Dân chủ, thẳng thắn, xây dựng

Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng, cụ thể, chi tiết của cử tri. Theo Tổng Bí thư, kỳ họp lần này là một trong những kỳ họp thành công để lại nhiều dấu ấn tốt như tiếp tục có đổi mới cải tiến theo tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành và xây dựng. Quốc hội phải là trí tuệ và chân thành.

Thành công của kỳ họp lần này theo Tổng Bí thư nằm ở chỗ đã đề cập đến những vấn đề thời sự, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước mắt từ xây dựng pháp luật cho đến những vấn đề lớn như: Đường cao tốc Bắc-Nam; cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, dự toán ngân sách nhà nước. Cách chọn vấn đề rất đúng và trúng. Những vấn đề đưa ra giám sát cũng cần thiết. Trình độ ĐBQH đã khá đồng đều và ngày càng cao, có sự nghiên cứu sâu, bàn nhiều chuyện đại sự quốc kế dân sinh làm cho toàn bộ hệ thống vào cuộc, toàn tâm nhất trí rất cao.

“Cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh là vấn đề rất khó, khi thành phố đóng góp nhiều như thế nhưng cơ chế cũng như những nơi khác. Cho nên phải có cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh; còn Hà Nội đã có Luật Thủ đô rồi. Về vấn đề này, Trung ương, Bộ Chính trị bàn rất nhiều lần, khi ra Quốc hội thảo luận cuối cùng biểu quyết hơn 90% đồng tình, nghĩa là đồng tình cao và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Rồi Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ Chính trị bàn nhiều lần, chỗ nào mấy làn xe, thiết kế ra sao nhưng để cho dân chủ đã đưa ra xin ý kiến Quốc hội.

Cuối cùng biểu quyết thông qua nhất trí cao. Rồi vấn đề nhân sự, thống nhất gần như tuyệt đối kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, và Tổng Thanh tra Chính phủ. Mọi việc tạo được sự đồng thuận rất cao vì dân chủ thẳng thắn chứ không áp đặt. Kỳ họp để lại nhiều ấn tượng là như vậy, nhất là diễn ra trong bối cảnh kinh tế phát triển tương đối vững chắc, lần đầu tiên 13 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP năm nay khả năng đạt 6,7%” - Tổng Bí thư chia sẻ.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Trí Dũng –TTXVN).

Toàn dân phải vào cuộc

Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhìn nhận đây là vấn đề kỳ họp nào Quốc hội cũng đề cập đến, là vấn lớn và quan trọng. Trung ương đã có nhiều Nghị quyết nhưng chưa bằng lòng với những gì đạt được dù đã cố gắng làm bài bản hơn, tâm phục khẩu phục. Nhưng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm

. Đây là cuộc đấu tranh kiên trì và lâu dài nên bước đi cho chắc chắn, làm nhưng phải giữ được sự ổn định. Vừa qua đã kỷ luật nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhưng quan trọng là thức tỉnh người vi phạm, mở đường cho người vi phạm biết sửa chữa, phấn đấu thì đấy mới là thành công. Hiện yếu vẫn là ở khâu điều tra bởi đây là công việc khó, làm sao cho chứng cứ rõ ràng, để tội phạm phải chịu tâm phục khẩu phục thì cần có thời gian. Bao nhiêu manh mối phải có thời gian điều tra chứ không vội được, nhưng cũng không vì thế mà để kéo dài. Rồi thu hồi tài sản cũng là khâu yếu, quan trọng là thu hồi tài sản cho Nhà nước, nếu tình nguyện trả tài sản sẽ giảm hình thức xử phạt.

Theo Tổng Bí thư, nhiều ý kiến nhận định hiện cấp dưới đang yếu, còn lạnh nhưng một số nơi đang nóng dần rồi, phòng chống tham nhũng không thể không làm. Muốn thế lòng dân phải nhất trí, tất cả phải đồng thuận, muốn lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc. “Luật Phòng chống tham nhũng muốn thông qua sớm nhưng vì là vấn đề khó nên để 3 kỳ họp. Ta đã sửa nhiều lần rồi cho nên cố gắng làm cơ bản, tập trung vào khâu yếu cho chuyển biến. Như tôi đã từng nói nhốt quyền lực vào lồng cơ chế pháp luật, giao quyền lực nhưng phải có cách để không thể, không dám lạm quyền làm sai. Do đó toàn dân phải vào cuộc, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài, miễn là đi phải từng bước, và vững chắc”-Tổng Bí thư nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lò nóng lên thì không ai được đứng ngoài cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO