Trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2016) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 14-3 vừa qua, có một điều khá nghịch lý là chỉ số về chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính vẫn theo chiều hướng xấu. Theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, điều này dường như đi ngược với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp mà Chính phủ đang hướng
Gỡ bỏ rào cản hành chính, loại trừ phí “bôi trơn” để doanh nghiệp phát triển.
PV: Thưa ông, giảm thời gian cho các thủ tục hành chính là một trong những yếu tố góp phần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ hướng đến, ông đánh giá thế nào khi chỉ số này lại có vẻ “xấu đi” tại báo cáo PCI 2016 mà VCCI vừa công bố?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Quả thực, tôi thấy rất ngạc nhiên khi trong tài liệu công bố của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2016 lại có đánh giá là “Liên tục trong 3 năm qua, 2014-2016, tại tỉnh trung vị, cứ 3 doanh nghiệp (DN) thì có một DN (tương ứng tỷ lệ khoảng 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính”. Đây là một tỷ lệ khá cao trong khảo sát về PCI của năm 2016. Thủ tục hành chính nhiều nghĩa là nhiều giấy tờ thủ tục hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc DN phải tiếp xúc nhiều với các đoàn kiểm tra, mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức hơn cho thủ tục hành chính. Tôi không hiểu sao chúng ta có rất nhiều chính sách và cả sự nỗ lực trong mục tiêu giảm thủ tục hành chính, thì trong khảo sát của VCCI lại có sự gia tăng.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt từ khi có các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, song thực tế là vẫn còn tồn tại thực trạng chi phí không chính thức. Và Báo cáo của VCCI cũng khẳng định, chỉ số về chi phí không chính thức không mấy cải thiện. Điều này ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực cải cách của Chính phủ, thưa ông?
- Như số liệu báo cáo PCI 2016 của VCCI nêu lên, trong năm 2016, có khoảng 66% DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15% so với giai đoạn 2008-2013. 9%-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó. Tôi rất lấy làm tiếc vì vẫn còn đến chục phần trăm DN kêu ca, than phiền về việc, thủ tục bôi trơn chiếm 10% doanh thu của họ. Lợi nhuận của DN không cao mà phải mất 10% thủ tục bôi trơn, đó là con số quá kinh khủng, vẫn là nỗi nhức nhối lâu nay chưa giải quyết được. Và chắc chắn, những chi phí ngoài luồng sẽ tác động đến môi trường kinh doanh, khiến cho hình ảnh của địa phương bị xấu đi trong mắt của các nhà đầu tư.
Vấn đề chi phí không chính thức đã được nói đi nói lại rất nhiều lần trong thời gian qua, đâu là lý do khiến cho thực trạng này không được cải thiện và theo ông, cần có giải pháp gì để đẩy lùi?
- Chi phí không chính thức hay nói cách khác, phí “bôi trơn” là một loại tham nhũng vặt. Tuy nhiên, nếu “phí bôi trơn” mà khiến DN mất 10% doanh thu thì không còn là “vặt” nữa rồi. Dường như, nó đã trở thành tập quán, luật bất thành văn mà các thương nhân bước vào môi trường kinh doanh phải “thuộc”. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là việc chính chính bản thân DN tạo điều kiện để cán bộ công chức, cơ quan công quyền hình thành thói quen nhận “phí bôi trơn”. Trong Báo cáo của VCCI cũng nêu rõ, nhiều cán bộ họ không yêu cầu gì nhưng DN vẫn tìm cách để họ nhận “phí bôi trơn” bằng được. Bản thân tôi khi tiếp xúc với nhiều DN cả trong và ngoài nước, nhiều DN đều thừa nhận, các cơ quan không yêu cầu mà DN tự nguyện chi. Điều đó cho thấy, chính DN tự tạo nên thói quen xấu đó đối với cơ quan công quyền. Do đó tôi cho rằng, thái độ của DN cũng là nhân tố tạo nên “vấn nạn” này. Bởi vậy, tôi cho đây là ý thức của cả DN và cán bộ quản lý.
Chúng ta cũng phải kiên quyết với những DN có hành vi này và có chế tài xử phạt hợp lý. Và cần phải lành mạnh hóa, trong sạch hóa từ chính DN. Anh phải là đúng đi đã thì chẳng cần phải phí gì cả. Còn nếu DN nào vẫn coi loại phí này là “đầu câu chuyện” thì rõ ràng anh hoạt động không minh bạch, có sai sót mới phải sử dụng cách đó để che lấp cái sai. Câu chuyện này là bức xúc lâu nay và cần phải có cách giải quyết từ gốc, và từ cả hai phía: Từ chính cơ quan công quyền và từ chính DN.
Ông đánh giá thế nào về những động thái cải thiện thủ tục hành chính của ngành hải quan trong thời gian gần đây?
- Phải nói rằng, đối với ngành Hải quan hiện nay, đã có những động thái tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Thậm chí gần đây ngành Hải quan TP. Hải Phòng còn có những sáng kiến rất hay như việc kết nối các tổ chức DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN. Họ tạo ra kênh để các DN có thể kết nối với hải quan, phản ảnh trực tiếp những vướng mắc, bức xúc của DN. Có cả điện thoại đường dây nóng để DN có thể trực tiếp phản ảnh… Đó là điểm tôi thấy sự quyết tâm của cán bộ hải quan, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Tôi thấy đó là sự quyết tâm của ngành hải quan để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm hoạt động.
Tuy nhiên, DN vẫn e ngại. Bản thân DN không phải lúc nào cũng đúng. Họ vẫn có cái sai do đó vẫn cứ e ngại rằng, nếu họ phản ánh sẽ có những ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa DN và cơ quan chức năng. Nếu chúng ta vẫn duy trì những mối quan hệ ngầm kiểu như “quen biết”, hay sử dụng các loại phí “lót tay”, “bôi trơn”… thì tất cả những cố gắng của Chính phủ trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, cải thiện và làm trong sạch môi trường kinh doanh thời gian qua đều trở nên vô nghĩa.
Trân trọng cảm ơn ông!