Loại bỏ thủ tục rườm rà

Nguyên Khánh 22/09/2017 08:10

Tuần qua, rất nhiều bộ ngành công bố kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng loại bỏ những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho xã hội. Công bố cắt giảm các TTHC là một trong những bước chuyển đáng kể để hiện thực hóa mục tiêu chính quyền phục vụ. Nhưng, điều mà cả xã hội quan tâm đó là các bộ, ngành sẽ làm gì bước tiếp theo, sẽ hành động thế nào để gỡ những điểm nghẽn về TTHC được coi là rào cản của phát triển.


Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn(NN&PTNT) vừa công khai đối với 123 TTHC lĩnh vực lâm nghiệp trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện Bộ sẽ tiếp tục rà soát 35 thủ tục để đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sau khi có phương án cụ thể sẽ tiếp tục công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc công bố các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giúp các bộ ngành phục vụ nhân dân thông qua hình thức trực tuyến, sẽ giảm được giấy tờ, thời gian, tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho xã hội.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) cũng đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, có 7 TTHC trong 2 lĩnh vực: 1- Sở hữu trí tuệ (2 thủ tục); 2- Hoạt động khoa học và công nghệ (5 thủ tục) được công bố. 7 TTHC này nếu thực hiện trong thực tiễn sẽ giảm khá nhiều giấy phép con, chi phí thời gian và tiền bạc cho xã hội. Không chỉ Bộ NN&PTNT, KHCN mà lần lượt các Bộ Giáo dục và đào tạo, Giao thông - vận tải, Tài nguyên & môi trường, Y tế... cũng đã lần lượt công bố thông tin về cắt giảm các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện đúng như cam kết trước Chính phủ về rà soát, đơn giản hóa các TTHC. Do đó, sẽ đặc biệt ưu tiên thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu và “dứt khoát lần này phải thực hiện bằng được chủ trương 1 việc 1 đối tượng, doanh nghiệp, người dân chỉ phải làm thủ tục tại một đơn vị trực thuộc Bộ chứ không để tình trạng nhập 1 lô hàng phải xin phép mấy nơi như trước”.

Để lên “dây cót” cho các bộ thực hiện cải cách TTHC, Chính phủ đã ban hành liên tiếp 4 Nghị quyết yêu cầu cắt bỏ các điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh... Để thực thi Chỉ thị của Thủ tướng, các bộ ngành đã nhanh chóng công bố các TTHC cần cắt giảm. Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã ghi nhận nhiều động thái cải cách của các bộ thời gian qua.

Chẳng hạn việc Bộ Công thương với việc đề xuất sửa đổi, bãi bỏ hàng loạt điều kiện trong các lĩnh vực xuất khẩu gạo, kinh doanh khí, kinh doanh rượu…Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ toàn bộ Nghị định 104 năm 2007 về ngành nghề kinh doanh đòi nợ, nghĩa là toàn bộ điều kiện kinh doanh với ngành này sẽ được bãi bỏ… đó là điểm cộng trong công cuộc nói không với TTHC rườm rà đang hành doanh nghiệp.

Dẫu rằng các bộ đều cam kết gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh, giấy phép con gây khó cho người dân và doanh nghiệp nhưng thực tế thì không được như vậy. Tại cuộc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng khi làm việc với Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra hôm 20/9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, các bộ dẫu quyết tâm cao trong cải cách TTHC nhưng thực tế không như báo cáo.

“Bộ Y tế đặt vấn đề quan tâm đến an toàn sức khỏe là trên hết, nhưng thực chất là nói một đằng làm một nẻo. Tất nhiên, yêu cầu đặt ra là vẫn phải đảm bảo quản lý tốt nhưng cần tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thúc đẩy cho sự phát triển của cả nền kinh tế, chứ không phải cứ đẻ ra các giấy phép con, tạo rào cản, co kéo lợi ích cục bộ”.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, dù chủ trương của Chính phủ là liên tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh nhưng các bộ hầu như “án binh bất động”. Lác đác có bộ, ngành công bố sẽ cắt cái này, giảm cái kia nhưng còn rối rắm lắm. Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp liên tục phàn nàn nhưng sự tháo gỡ thì khá chậm trễ. “Kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện vẫn là một cuộc chiến, không cập nhật, không thể thống kê chính xác có bao nhiêu điều kiện do các điều kiện này biến thiên hàng ngày, hàng giờ’. Thậm chí nhiều điều kiện kinh doanh dù đã được cấp trên công bố bãi bỏ nhưng cấp dưới cứ trù trừ, câu giờ thì rút cục người dân và doanh nghiệp lãnh đủ.

“Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảmTTHC ở bộ này, ngành kia” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Việc đẩy mạnh cải cách, cắt bỏ TTHC gây khó cho xã hội cần được các bộ ngành biến thành hành động cụ thể. Thực tiễn thì “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chi phí cấp giấy phép chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm. “Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của bộ. Do đó phải loại bỏ điều kiện kinh doanh, những TTHC mang tính áp đặt không hợp lý gây cản trở cho sự phát triển của xã hội” - Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Có như vậy, mới xóa tan được định kiến thủ tục hành là chính, mới bớt được sự phàn nàn, kêu khó của người dân và doanh nghiệp.

Có thể nói, ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Ai cũng biết, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người. Điều này cần được các bộ ngành đặc biệt lưu ý trong thực hiện các TTHC. Thủ tục dẫu có hay, dẫu có đơn giản đến mấy nhưng những người vận hành các TTHC này lại “linh hoạt” thì hiệu quả thu về sẽ chẳng được bao nhiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại bỏ thủ tục rườm rà