Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) vừa khởi tố vụ án làm lây lan bệnh dịch nguy hiểm cho người, để điều tra đối với một thanh niên làm nhiều người nhiễm Covid-19. Nghi can bị cáo buộc đã thuê xe ô tô có gắn còi đèn ưu tiên của xe cứu thương, nhưng chưa được cấp phép hoạt động để hoạt động chui dẫn đến bùng phát dịch Covid-19.
Nhiều khả năng thanh niên 33 tuổi này sẽ bị khởi tố bị can, truy tố, xét xử để trả giá cho hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Âu đây cũng là bài học đắt giá cho những người dám coi thường pháp luật. Song, dù anh ta có phải vào tù thì thiệt hại về kinh tế, sự ổn định xã hội đã gây ra cho cộng đồng là khó bù đắp được.
Điều đáng nói, một chiếc xe cứu thương chưa được cấp phép hoạt động, nhưng chủ nhân của nó lại vô tư cho người khác thuê để chở bệnh nhân và người nhà là điều không thể hiểu nổi. Theo quy định của pháp luật, ngoài những chiếc xe được phép gắn còi, đèn ưu tiên theo luật định, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào được phép dùng xe có còi, đèn ưu tiên.
Song, trong thời gian qua, có khá nhiều cá nhân, tổ chức vẫn nhập xe cứu thương, dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng vẫn đưa vào hoạt động bình thường. Có lẽ đó là lý do mà cứ lâu lâu, cơ quan chức năng tại các địa phương lại phát hiện những chiếc xe cứu thương giả chở người “thông chốt” kiểm dịch.
Nói vậy sẽ có người cho rằng, chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào cấm nhập khẩu xe cứu thương nên người ta có quyền tự do mua bán xe cứu thương mà không phạm luật. Điều đó thì đúng, nhưng vấn đề ở chỗ nhập khẩu xe cứu thương vào Việt Nam rồi phải đăng ký sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được hoạt động.
Chưa nói đến những chiếc xe cứu thương chưa được cấp phép sử dụng, ngay cả những xe cứu thương “xịn” mà không thuộc trường hợp đang thực thi công vụ (đi đón hoặc đang chở bệnh nhân...) cũng không được phép tự do hoạt động, sử dụng còi, đèn ưu tiên vô tội vạ trên đường. Ấy vậy mà thời gian qua việc quản lý sử dụng xe cứu thương khá lỏng lẻo.
Việc các xe cứu thương (cả được cấp phép và chưa được cấp phép) tự do hoạt động, thiếu sự kiểm soát đang là vấn đề đáng lo ngại. Khi không có dịch, việc “loạn” xe cứu thương cũng đã phát sinh những hệ lụy xấu, từ lợi dụng còi, đen ưu tiên vi phạm giao thông, gây mất an toàn, đến việc “chặt chém” bệnh nhân, mất an ninh trật tự tại các bệnh viện...
Vậy mà hiện đang trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thì việc thiếu kiểm soát hoạt động của xe cứu thương càng gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. Ngoài những tác động xấu đã nêu ở trên, việc các xe cứu thương cả thật lẫn giả hoạt động không có “công lệnh” khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Và quả nhiên thanh niên 33 tuổi ở TP Tuy Hòa đang là nghi can trong vụ án hình sự mà công an địa phương này vừa khởi tố chính là một minh chứng sinh động cho giả thiết trên. Chỉ trong vòng 5 ngày, anh ta đã thuê xe cứu thương giả tới hai lần, để đi và về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh - Phú Yên, để rồi làm lây lan Covid-19 cho nhiều người khác.
Vậy mới nói, nếu không có sự kiểm soát hoạt động của các loại xe cứu thương (cả thật lẫn giả), mọi cố gắng nỗ lực phòng dịch của các địa phương rất có thể sẽ trở thành vô ích vì những kẻ chỉ biết đến tiền mà không cần quan tâm đến an toàn của cộng đồng xã hội. Cần phải ngay lập tức “dẹp loạn” xe cứu thương để tránh hậu họa.