Loay hoay cước taxi

PV 17/07/2023 07:20

Thực ra thì đây cũng đã là chuyện cũ, tồn tại hơn 20 năm qua. Nhiều người lên tiếng, trách móc, cho rằng mình đã bị “móc túi” khi đi taxi.

Gần đây, các vụ gian lận bằng cách kích đồng hồ tính cước taxi (taximet) lại đang nhiều lên. Đáng nói là thủ đoạn vẫn không có gì mới khi tài xế (hoặc chủ xe) dùng kỹ thuật kích xung điện kích đồng hồ tính cước nhảy số, để ăn gian tiền của khách.

Việc kích đồng hồ tính cước taxi đơn giản chỉ là gắn một mạch điện có nút nhấn để mỗi lần bấm là truyền xung điện đến đồng hồ. Chỉ cần dùng dây nối từ mạch điện này vào dây điện của đồng hồ thì cứ mỗi lần bấm là số tiền cước nhảy lên theo mức được cài đặt sẵn, thường thì là 3.000/km cho đến 10.000 đồng/km, hoặc hơn.

Được biết, một lần “độ” đồng hồ chỉ mất khoảng 200.000 đồng nhưng lợi nhuận thì lớn hơn rất nhiều dẫn đến việc một số tài xế vẫn sử dụng chiêu thức này để đối phó với mức khoán của công ty. Kiểu “độ” này nếu không nhấn công tắc thì đồng hồ không nhảy, do vậy có đưa vào kiểm định kiểu gì cũng chính xác.

Trên phương diện pháp luật, taximet là thiết bị điện tử được quản lý chặt chẽ, phải kiểm định định kỳ theo quy chuẩn phương tiện đo nhóm 2 được quản lý theo các quy định trong Thông tư 07/2019 ban hành năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tư này quy định, đối với phương tiện đo nhóm 2, kể từ ngày 1/1/2020, taximet phải được kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ theo chu kỳ 18 tháng một lần, kiểm định sau sửa chữa. Ngoài ra, khi có yêu cầu thay đổi giá cước thì cơ sở kinh doanh vận tải phải đưa xe taxi đến tổ chức kiểm định để thực hiện điều chỉnh taximet chứ không được tự ý gỡ niêm phong kẹp chì để cài đặt lại giá mới. Việc kiểm định taximet thực hiện bởi tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định kiểm định.

Quy định thì chặt chẽ, nhưng hành khách taxi vẫn bị “móc túi”. Nhiều xe taxi khi đưa vào kiểm định định kỳ thì taximet đã bị mất niêm chì và tem kiểm định, rất có thể là đã cố tình điều chỉnh đồng hồ tính cước sau khi được kiểm định để gian lận tiền cước hành khách.

Các chuyên gia giao thông cho biết, muốn chống gian lận cước bằng cách kích xung điện thì phải bảo vệ được taximet không bị can thiệp bằng nhiều cách. Cách thủ công thì có thể bọc toàn bộ dây của taximet bằng vỏ bọc không có phép đấu nối. “Hiện đại” hơn là thiết kế mạch bảo vệ gắn trong taximet, khi có bất cứ hành vi can thiệp nào như đấu nối, kích xung bị ghi nhận thì mạch bảo vệ sẽ tự ngắt taximet không cho hoạt động, đồng thời gửi tín hiệu báo động về công ty taxi hay ghi vào “hộp đen” của taximet.

Việc thiết kế một mạch bảo vệ như vậy hoàn toàn nằm trong khả năng các công ty điện tử trong nước, không có gì khó khăn. Vấn đề ở chỗ, đơn giản như vậy nhưng sao vẫn cứ tồn tại nạn “móc túi” hành khách khi sử dụng dịch vụ taxi.

Trong trường hợp này, để ngăn chặn thì rất cần người đi taxi có thái độ phản ứng trực tiếp, tức thời với tài xế khi thấy đồng hồ không đúng số cây số. Cũng cần lưu lại bằng chứng phản ánh tới công an, thanh tra giao thông (dễ nhất là số xe). Mặt khác, cơ quan chức năng cần kiểm tra những điểm “độ” taxi hòng trục lợi khi “cài cắm” làm đồng hồ tính cây số nhảy số.

Nhất là trong trường hợp tài xế taxi gian lận, thì cần phạt hành chính số tiền đủ lớn để “chừa”. Kể cả việc tịch thu bằng lái một thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay cước taxi