Việc dàn sao Hollywood “đổ bộ” đến Việt Nam quay phim bom tấn “Kong: Skull Island” trong những ngày qua đã thu hút giới truyền thông cũng như những người làm điện ảnh. Nhiều thắng cảnh của Việt Nam được đánh thức và trở nên vô cùng ấn tượng trong mắt các nhà làm phim nước ngoài. Nhưng khi cánh cửa đã bắt đầu hé mở, chúng ta cũng cần có những ứng xử chuyên nghiệp, đừng bỏ lỡ những cơ hội tiếp theo để quảng bá du lịch qua phim ảnh.
Một cảnh dự kiến trong phim “Kong: Skull Island”.
1. Nói về sự bỏ lỡ, nhiều người vẫn còn nhớ mới năm 2015, chúng ta đã lỡ mất một cơ hội quảng bá cho du lịch Việt Nam. Đó là khi bộ phim đậm màu sắc cổ tích “Pan và vùng đất Neverland” - Hãng Warner Bros sản xuất với kinh phí 150 triệu USD. Từ cuối năm 2014, đoàn làm phim Hollywood đã đến Việt Nam thực hiện những cảnh quay 3D tại Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)…
Khi phim công chiếu trên toàn thế gới, trong đó có cả ở Việt Nam, khán giả không khỏi choáng ngợp về những cảnh đẹp mê hồn như dãy núi trùng điệp của Vịnh Hạ Long, ruộng lúa xanh biếc ở Ninh Bình, lối vào bên trong Hang Én được hiện lên kỳ ảo trong từng thước phim. Tuy nhiên, đến lúc xem hết phim, mọi ngưới mới giật mình: Trên phim không có dòng chữ nào cho biết phim có những phần được quay ở Việt Nam. Một cơ hội vàng quảng bá cho du lịch Viêt đã bị vuột mất.
Đây chỉ là một trường hợp gần nhất, còn nếu ngược về quá khứ, dễ nhận ra chúng ta đã từng bỏ lỡ nhiều dịp để giới thiệu du lịch qua phim ảnh. Điển hình là năm 1995, Việt Nam lần đầu vào mắt xanh của giới làm phim bom tấn qua dự án thứ 18 về James Bond - Tomorrow Never Dies. Phim dự tính quay trên đường phố TP HCM và một số điểm ở Hạ Long vào năm 1997.
Mọi công việc chuẩn bị đã được tiến hành, thì đùng cái, ngày 1/5/1997, một công điện khẩn từ Cục Điện ảnh gửi tới đoàn phim buộc phải dừng mọi hoạt động tại Việt Nam. Bộ Văn hóa lúc đó gửi thông cáo, rút lại sự đồng thuận trước đó và cho biết: “Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam mới ra đời và chưa được trang bị đầy đủ cho một bom tấn có tầm cỡ như Bond”. Ngay lập tức, đoàn làm phim đã chuyển hướng sang quay tại Thái Lan…
Có lẽ thấm thía “bài học đắt giá” này, khi đoàn phim “Kong: Skull Island” có ý định quay tại Việt Nam, các đơn vị quản lý của Việt Nam đã nhiệt tình ủng hộ. Trong buổi họp báo trước ngày phim bấm máy tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Vương Duy Biên còn nói vui ông sẵn sàng tham gia một vai quần chúng nếu được mời. Còn đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thì cam kết: “Chắc chắn là Việt Nam sẽ xuất hiện trong trailer phim. Trong chiến dịch marketing quãng bá phim của chúng tôi, hình ảnh Việt Nam chắc chắn sẽ xuất hiện rất nhiều”.
Nhà làm phim Hollywood này cũng tiết lộ: Tôi muốn phá vỡ những định kiến của khán giả Mỹ về quốc gia các bạn, bởi Việt Nam thường được mô tả trên màn ảnh qua những bối cảnh ở miền Nam. “Kong: Skull Island” thì có cả những cảnh quay ở miền Bắc nữa. Bộ phim chắc chắn sẽ mang đến những điều mới mẻ, khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi: “Đây là đâu nhỉ?”, bởi Việt Nam quá đẹp”.
2. Khi các dự án bom tấn của Hollywood sẵn sàng chọn Việt Nam bởi “rất ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp đến siêu thực” thì chúng ta cũng đừng xem nhẹ rất nhiều vẻ đẹp bình dị mang hồn cốt xứ sở. Cần nhớ là, những ruộng ngô, Hang Chuột hay hồ nước, triền núi, thậm chí bãi cỏ chiều chiều lũ trẻ chơi thả diều, đá bóng, những con đường nhỏ hẹp, lầy lội vốn chỉ để bà con xã Tân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) thả trâu bò cũng đã khiến các nhà làm phim bom tấn chọn lựa thì không có gì là “bình thường” cả. Chúng ta đâu nhất thiết cứ phải chạy theo những danh hiệu hào nhoáng để làm mai một bản sắc ghi dấu ấn của từng địa phương.
Hãy gìn giữ, nâng niu những vùng đất với không gian sống đặc trưng, như thế cũng là một cách làm du lịch. Hãy gìn giữ ngay những địa danh mà “Kong: Skull Island” đã chọn làm bối cảnh, để du khách thế giới sẽ có ngày được đặt chân tới. Ý tưởng đặt tên một con đường nhỏ ở xã Tân Hóa thành đường “King Kong” mà bà con địa phương đang đề xuất rõ ràng là một “cách làm du lịch” đáng được tôn trọng.
Cũng từ sự kiện “Kong: Skull Island”, theo giới điện ảnh, đây là một bài học cho các nhà làm phim Việt Nam. Hơn 40 tấn thiết bị được chuyển đến, không thiếu một thứ gì, để các diễn viên và đoàn phim không phải bận tâm mà tập trung công việc. Hơn thế, ngay cả khi các cảnh quay đã xong, đoàn phim dời đi, thì thiên nhiên tại đó không hề bị suy suyển. Cây cối không bị gãy đổ, những ngọn núi đá không bị tác động hay để lại dấu vết, hồ nước và rác thải được thu gom. Sạch như chưa từng có cả đoàn làm phim hùng hậu ở đây. Điều này thực sự là một khác biệt, thể hiện đẳng cấp.
Cũng cần phải nói thêm, việc truyền thông Việt Nam “quá tò mò” khi cố gắng xâm nhập vào trường quay của “Kong: Skull Island” ở Quảng Bình như mấy ngày vừa qua cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Bởi khi đoàn phim đã có ý định bảo mật thông tin và hình ảnh, nhiều tờ báo vẫn cử phóng viên đến hiện trường, đóng giả người dân để tiếp cận khu vực quay phim, rồi cố gắng chụp ảnh, điều đó khiến cho đơn vị sản xuất phải tăng cường an ninh, và cũng có thể là “điểm trừ” khiến những đoàn phim bom tấn sau phải đắn đo, dè chừng.
Vì vậy, nếu muốn ““Kong: Skull Island” mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau phim này, nhiều bom tấn Hollywood khác sẽ đến Việt Nam”, như lời ngài Ted Osius- Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, thì không chỉ nhiệt tình, cởi mở mà còn cần thái độ chuyên nghiệp. Có như vậy, cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam, mà rộng ra là hình ảnh và con người Việt Nam, mới lan sâu tỏa rộng.
Trong tuần qua, những ngôi sao Hollywood như đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, nữ diễn viên Brie Larson và nam diễn viên gạo cội Samuel L. Jackson… đều chia sẻ những hình ảnh “đẹp lạ lùng”, “chỉ Việt Nam mới có”. Những ngày đoàn phim ở Quảng Bình, mưa phùn nặng hạt kèm cái rét ngọt khiến nhiều người lo ngại “có khi phải dừng chờ trời nắng”. Nhưng với êkíp chuyên nghiệp đến từ Hollywood, điều này không khiến họ chùn bước. Họ đã chuẩn bị mọi phương án. Chính vì thế, lịch quay ở Quảng Bình vẫn đúng tiến độ, và đến nay đoàn phim đã có mặt ở Ninh Bình để thực hiện những ngày quay tiếp theo. |