Là chợ nông sản giúp người dân mua bán, trao đổi các sản phẩm nông nghiệp nhưng từ khi hình thành đến nay, chợ nông sản Thạnh Hóa (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An) lại bất ngờ biến thành chợ… chim trời.
Các loại chim bày bán ở chợ chim Thạnh Hóa.
Chính quyền Long An đã quyết định xóa bỏ tình trạng buôn bán động vật hoang dã tự phát ở khu chợ này. Tuy nhiên, đó là việc không hề dễ dàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ nông sản Thạnh Hóa ban đầu được hình thành từ những quầy buôn bán tự phát nằm ven tuyến quốc lộ 62. Sau đó chợ được chính quyền cho xây dựng thêm các sạp, quầy kinh doanh, mở rộng khoảng ba năm gần đây. Do nằm trên tuyến quốc lộ 62 lại dẫn thẳng về trung tâm TP HCM (cách chừng 50km) nên chợ nhanh chóng trở thành trung tâm mua bán các loại hàng nông sản bởi khu vực này nằm sát trung tâm vùng Đồng Tháp Mười với rất nhiều chim trời, cá rắn, cua ốc… các loại.
Tuy nhiên, càng ngày, chợ càng trở lên lộn xộn với rất nhiều loại động vật quý hiếm được săn bắt đem về đây bày bán một cách khá công khai. Cộng thêm việc giết mổ các loại động vật này ngay tại chợ khiến nó trở thành địa điểm bát nháo, bị nhiều người lên án. Mặc dù chính quyền tỉnh Long An đã nhiều lần giao cho chi cục kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Thậm chí, Bí thư tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh đã kiên quyết yêu cầu xử lý tới nơi tới chốn các hộ kinh doanh sai phạm tại chợ này nhưng đâu vẫn hoàn đó. Theo quan sát của chúng tôi, hiện vẫn có nhiều loài động vật quý hiếm được các tiểu thương bày bán hay chào mời khách tại đây.
Ngoài ra, tại thời điểm đang mùa nước nổi như hiện nay, hàng trăm loại chim được săn bắt khắp nơi đem về đây. Chúng được nhốt trong lồng, buộc túm chân hoặc vặt lông, thui sẵn treo lủng lẳng khắp các gian hàng. Nhiều người dân ở khu vực cho biết, tất cả các loại chim đều được bán ở đây! Nếu không có, chỉ cần đặt hàng trước, các chủ sạp sẽ tìm kiếm nguồn hàng. Từ các loại chim quen thuộc như le le, cu gáy, cò, vạc cho tới các loại chim quý hiếm hơn là cò ốc, trĩ đỏ, sếu… cũng được nhốt bán tại chợ.
Nhiều chủ sạp ở đây còn cho biết, họ không chỉ bán cho những khách ghé trực tiếp tới chợ mà còn cả những khách ở xa tại các thành phố như TP HCM, Cần Thơ hay thậm chí là cả Hà Nội. Thế nhưng, những đoàn kiểm tra lại không hề dễ dàng phát hiện ra các loại động vật quý hiếm nằm trong danh mục cấm mua bán, vận chuyển. Nhiều đợt kiểm tra, các chủ sạp không những giấu hàng mà còn đem cả các loài chim quý này vào khu vực rừng tràm (nằm trước và sau lưng khu chợ này) để trốn tránh các lực lượng chức năng.
Các nhà bảo vệ môi trường hiện rất lo ngại khi mà các loài động vật hoang dã ở vùng ngập nước Đồng Tháp Mười đang ngày càng ít đi, có loài gần như đã biến mất thì khu chợ chim này lại càng nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, các khu vực như được thế giới xếp vào vùng cần được bản tồn như Ramser Tràm Chim, Láng Sen với nhiều loại chim, cá quý hiếm nhưng thời gian bị săn bắt vô tội vạ. Hầu hết trong số chúng đều được vận chuyển về buôn bán tại khu chợ này bởi khoảng cách địa lý khá gần.
Mặc dù biết khu vực chợ còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng rất khó để ngăn chặn bởi các loại hàng hóa ở đây rất nhiều, dễ dàng vận chuyển khi có sự kiểm tra. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không thể cấm các hộ kinh doanh ở đây ngừng buôn bán bởi có rất nhiều loài chim, cua cá được phép mua bán, vận chuyển. Sự nhập nhằng chính là lý do khiến dù bị nhiều người phản đối nhưng chợ chim Thạnh Hóa vẫn còn tồn tại và kinh doanh khá thoải mái.