Mùa tuyển sinh 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến sẽ “lọc ảo” chung cho tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học (ĐH) sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Quy định này giúp nhà trường xác định được số thí sinh trúng tuyển dự kiến sát với thực tế và tránh được tỷ lệ ảo cao khi tự mình xét tuyển theo phương thức kết hợp như mọi năm.
Các trường cần cân nhắc tỷ lệ gọi thí sinh nhập học
Từ năm 2021 trở về trước, Bộ GDĐT chỉ lọc ảo đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Những trường có xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực thì tự chủ hoàn toàn về mặt tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa với việc một thí sinh cùng lúc trúng tuyển nhiều trường nên để giảm ảo, các trường thường gọi tỷ lệ trúng tuyển lên tới 200%, thậm chí 300% tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức này. Trước khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH cũng đã có một lượng nhất định thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác nhập học. Năm nay, khi Bộ GDĐT lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển thì thí sinh chỉ trúng 1 nguyện vọng, từ đó giúp tỷ lệ ảo giảm xuống.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, hệ thống lọc ảo chung của Bộ không làm thay các trường việc xét tuyển từng hồ sơ hay điều kiện trúng tuyển, mà ở đây là sắp xếp nguyện vọng và lọc ảo để đảm bảo là các em trúng vào nguyện vọng mà các em ưu tiên nhất. Các trường cũng giảm thiểu rất nhiều số lượng thí sinh ảo và giúp các em đỗ vào nguyện vọng cao nhất.
Nhìn nhận từ phía nhà trường, TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng, quy định mới này không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường, vì các trường vẫn được tự quyết trong xét tuyển kết hợp theo quy định riêng. Việc lọc ảo chung, giúp các trường xác định được số thí sinh dự kiến trúng tuyển một cách chính xác nhất. Từ đó, giảm số thí sinh ảo cho các trường dù xét tuyển bằng hình thức nào đi chăng nữa. Việc gọi thí sinh trúng tuyển ở các phương thức như xét tuyển học bạ, các phương thức kết hợp cũng sẽ không bị “lố” nhiều vì lo thí sinh nhập học hay không như các năm trước.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng, những năm trước ngay ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH công lập và ngoài công lập đều phải gọi vượt chỉ tiêu để dự phòng thí sinh ảo (dù Bộ GDĐT đã lọc). Do vậy năm nay, khi gộp chung tất cả các phương thức xét tuyển vào chung đợt để lọc ảo thì các trường vẫn phải gọi vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, thay vì gọi vượt đến 200% như trường hợp một số trường các năm trước, năm nay các trường có thể giảm xuống, chỉ gọi khoảng 110%-120% để trừ hao số thí sinh nhập học. Theo quy định, kết quả tuyển sinh của trường nếu vượt quá 103% sẽ bị Bộ GDĐT áp dụng các chế tài xử phạt tùy mức độ nếu bị kiểm tra, phát hiện.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng thí sinh ảo do việc thí sinh đi du học hay chọn học các trường nghề không nằm trong hệ thống, nhưng đó chỉ là tỷ lệ nhỏ. Nên các trường cần cân nhắc tỷ lệ gọi thí sinh nhập học.
Làm sao để giảm sai sót trong lọc ảo
Theo kế hoạch, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 sẽ được ban hành trong tháng 6 này. Năm nay, với việc thay đổi ở quy chế lọc ảo chung nhận được rất nhiều sự quan tâm của thí sinh cũng như các nhà trường. Tuy nhiên, thí sinh không cần phải băn khoăn về cơ hội trúng tuyển bị giảm so với mọi năm do thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng song chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất. Vì vậy, câu chuyện vẫn là cần cân nhắc kỹ các quy định và lựa chọn tiêu chí phù hợp với mình nhất để đảm bảo xác suất trúng tuyển. Ngoài ra, theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cũng nên tối đa hóa số nguyện vọng xét tuyển kết hợp để tăng cơ hội trúng tuyển, sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp theo tiêu chí yêu thích nhất rồi đến các lựa chọn ít yêu thích hơn.
Một lưu ý nữa là thí sinh năm nay không được điều chỉnh nguyện vọng như năm trước nhưng cũng như mọi năm, các em vẫn phải xác định việc đăng ký xét tuyển trước thời hạn theo quy định. Điều này, đòi hỏi thí sinh không chỉ nghiên cứu, cân nhắc kỹ mà còn phải có trách nhiệm hơn và suy nghĩ thấu đáo hơn với quyết định của mình.
Với sự đồng thuận từ phía các trường và thí sinh, phụ huynh, vấn đề đặt ra hiện nay đó là làm sao để giảm thiểu được những sai sót ở mức thấp nhất trong quá trình lọc ảo. Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các sở GDĐT và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống, để tránh nhầm lẫn và hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở đào tạo, thí sinh, Bộ đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.
Trong thời gian tới, hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sẽ được tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước sẽ trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, kết nối với cơ sở dữ liệu các bậc học, quản lý thông tin người học thông suốt từ quá trình tuyển sinh, đào tạo tới cấp bằng tốt nghiệp.