Đình Quan Chiêm thuộc làng Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) là một ngôi đình có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, với lối kiến trúc độc đáo và mang trong mình những giá trị lịch sử to lớn. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên, đến nay ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục bị hư hại, mục ruỗng…
Đình Quan Chiêm thờ thành hoàng Tống Quốc Sư (Tống Lưu Công). Theo Dư địa chí của huyện Hà Trung cho thấy, Đình được khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 9 năm Bính Dần, đời vua Gia Long thứ 6 (1806), đến tháng 2 năm Đinh Mão (1807) thì hoàn thành. Năm 1927, đình được nâng cao thêm một mét do thế đất dựng đình trũng. Quanh khuôn viên đình có nhiều cây lưu niên làm cho công trình hòa nhập với thiên nhiên mà vẫn nổi trội bởi bộ mái cong xòe rộng, kéo dài, lan xuống thấp. Phía trước sân đình là ao đình được thả hoa súng. Liền kề với ao là giếng đình – nơi người dân làng Quan Chiêm thường lấy nước để phục vụ cho những ngày tế lễ.
Hội Đình Quan Chiêm là một hội lớn trong vùng, vì thế từ lâu Đình Quan Chiêm ngoài ý nghĩa hội đình, nó cũng được xem là Đình Cả trong hệ thống “Đình huyện Tống” của xứ Thanh, bởi quy mô cấu trúc to lớn và bề thế của nó. Với những giá trị kiến trúc lịch sử to lớn, năm 2011, đình Quan Chiêm đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại, đến nay ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục của nhà Đại đình đang trong tình trạng mục hỏng, xập xệ, nhiều cấu kiện gỗ bị mối mục gãy, nứt vỡ; hệ thống hoành rui mè, mái ngói đã qua nhiều lần đôn đảo, hiện nay đã bị sụt lún, tụt làm dột nước mưa vào trong đình; chân tảng cột lún sâu dưới nền nhà...
Ông Tống Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Hà Giang cho biết, ngôi đình có ý nghĩa rất lớn với đời sống của nhân dân địa phương. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của dân làng Quan Chiêm. Thời gian cũng như sự tàn phá của thiên nhiên khiến ngôi đình đang nằm trong tình trạng phải kêu cứu. Tuy nhiên, để trùng tu và tôn tạo thì nguồn kinh phí là rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Lan - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, UBND huyện Hà Trung cho biết, Đình làng Quan Chiêm là ngôi đại đình năm gian, hai chái với chất liệu gỗ lim nên việc tu bổ, tôn tạo đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn. Bên cạnh đó, đình thờ Thành hoàng làng trên một làng cụ thể nên việc kêu gọi các nguồn xã hội hoá rất khó khăn. Trước mắt, Phòng Văn hoá Thông tin tham mưu cho UBND huyện Hà Trung hướng dẫn UBND các xã, thị trấn có di tích đang xuống cấp, nhất là đình Quan Chiêm (xã Hà Giang), đình Đô Mỹ (xã Hà Tân) có các biện pháp chống đỡ để đảm bảo an toàn cho di tích trong mùa mưa bão.
Tìm hiểu thêm được biết, trước đó, ngày 23/7/2021, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt huyện Hà Trung. Tại cuộc làm việc này, huyện Hà Trung có một số đề xuất, kiến nghị, trong đó đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo các đình làng, bao gồm đình làng Quan Chiêm. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng giao cho UBND huyện Hà Trung phối hợp với Sở VHTTDL rà soát lại hiện trạng các đình làng trên địa bàn, đề xuất hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo theo thứ tự ưu tiên.
Tiếp đó, tại Quyết định 3905/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 6/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung đến năm 2030 cũng đã đưa đình làng Quan Chiêm vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025. Tại phụ lục số 02 về danh mục các dự án thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung kèm theo quyết định này có dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo đình làng Quan Chiêm, xã Hà Giang với tổng mức đầu tư 21,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng, ngân sách huyện 10 tỷ đồng, kêu gọi xã hội hoá 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND huyện Hà Trung đang báo cáo đề xuất trình lên cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Mong rằng bằng sự quan tâm, gìn giữ các giá trị di sản của huyện Hà Trung; bằng quyết định kịp thời của UBND tỉnh Thanh Hóa, đình Quan Chiêm nói riêng và các công trình văn hoá khác nói chung đang xuống cấp sẽ sớm được phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ cho muôn đời sau.