Theo nhiều chuyên gia nam học, không ít đàn ông, do bị ảnh hưởng của nghề nghiệp, cũng như lối sinh hoạt thiếu khoa học đã bị giảm chất lượng “con giống”, nguy cơ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Stress gây ảnh hưởng không nhỏ tới
chất lượng cuộc sống gia đình (Ảnh minh họa).
Người đàn ông tên Cường, sinh năm 1981, nhà ở khu đô thị Mỹ Đình đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, anh lấy vợ gần hai năm nay. Dù vợ chồng không dùng một biện pháp tránh thai nào, nhưng đến nay họ vẫn chưa có tin vui. Lo ngại sức khoẻ của chồng không tốt, vợ anh đã tìm mua nhiều món ăn bổ dưỡng, nhằm tăng cường “sức mạnh đàn ông”nhưng không có kết quả.
Cường nghiện rượu, và thuốc lá nặng, từ năm hai mươi tuổi. Khám và làm các xét nghiệm cho Cường, bác sỹ thấy số lượng “con giống” trong tinh dịch của bệnh nhân này rất ít, yếu và kết luận, nguyên nhân hiếm muộn của vợ chồng Cường là do số lượng và chất lượng tinh trùng của người chồng thấp.
Nam giới khác tên Chinh, 28 tuổi, tốt nghiệp đại học, nhà ở quận Tây Hồ, đến tìm gặp bác sỹ khoa Nam học khám với thân hình khá nặng nề. Anh cao chưa đầy 1m65, nhưng nặng tới 82 ký lô. Chinh lấy vợ hai năm nay, mong chờ mãi vẫn chưa có em bé. Vợ chồng Chinh từng đi kiểm tra sức khoẻ toàn diện. Kết quả Chinh không mắc một chứng bệnh nào, ngoài béo phì. Người vợ hoàn toàn khoẻ mạnh.
Bác sỹ cho Chinh biết, đàn ông bị béo phì thường có ham muốn tình dục thấp hơn so với những người có cân nặng bình thường. Béo phì cũng có thể làm giảm mật độ tinh trùng, làm biến đổi hormone cân bằng và làm tăng nhiệt độ ở bìu gây hiếm muộn.
Trường hợp, người đàn ông tên Chiến 35 tuổi, đang là trưởng phòng của một công ty nhà nước đến bệnh viện khám, cho biết nhiều tháng nay anh không còn có cảm giác ham muốn quan hệ vợ chồng.
Anh kể, công việc cơ quan bận rộn, cuộc sống gia đình bí bách, vợ chồng quá vênh nhau quan điểm, thường cãi nhau. Đi khám, Chiến không bị mắc một bệnh lý nào. Bác sỹ cho rằng, việc Chiến lãnh cảm với vợ có thể do phải làm việc căng thẳng, quá sức và bị stress bởi cuộc sống mang lại.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, những tác nhân gián tiếp trong cuộc sống hiện đại mà không ít nam giới phải đối mặt, đó là stress. Stress gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng “con giống”. Ăn uống và nghề nghiệp không phải là yếu tố quyết định tỷ lệ hiếm muộn. Nhưng, nếu nam giới dùng nhiều chất như rượu, thuốc lá… đều có thể tiêu diệt “con giống”.
Với những người giữ vị trí quan trọng ở cơ quan nhà nước, công ty liên doanh… thường có cường độ làm việc quá sức, ăn uống thất thường, lại dư thừa chất, sinh hoạt thường không nề nếp, như đi sớm về muộn, nghiện bia hơi, ít vận động… là những nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh, như béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường và dần trở thành đối tượng có nguy cơ dễ bị căn bệnh “khó nói” tấn công.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền cho biết thêm, nam giới làm việc ở môi trường có thể gây ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng, thì đều có nguy cơ gây hiếm muộn. Những nghề thường xuyên tiếp xúc lâu dài với các kim loại chì, sắt, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ có thể làm tinh trùng suy yếu, mất khả năng hoạt động và di chuyển.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền khuyên, các cặp vợ chồng muốn có sản phẩm của tình yêu, trước hết phải thật kiên nhẫn, tìm cách giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống và công việc. Hãy trút bỏ mọi gánh nặng tâm lý, sống thoải mái, vui vẻ.
Dù bận rộn tới đâu, nam giới cũng hãy nghĩ tới sức khoẻ và hạnh phúc của chính mình, sống lành mạnh, nên dành 15 đến 30 phút mỗi ngày cho tập luyện thể thao, nghỉ ngơi và thư giãn, bớt rượu chè… để tránh những giảm sút “phong độ” không đáng có.