Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước…Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đóng góp lớn nhất vẫn là mặt hàng sầu riêng.
Xuất khẩu vượt 1,8 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Rau quả xuất khẩu thuận lợi trong năm 2023 và đà tăng trưởng được nối tiếp trong 4 tháng 2024 nên quý I/2024, ngành hàng rau quả thu về 1,3 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%... Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….
Còn theo Vinafruit, đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, sầu riêng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành (trên 5,6 tỷ USD). Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu rau quả, trong đó có trái sầu riêng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Đánh giá về cơ hội cho sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc dạng đông lạnh, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắc Lắc cho rằng, có nghị định thư sẽ tạo cơ hội cho DN khi đầu tư vào đa dạng sản phẩm đối với sầu riêng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực cấp đông và chế biến các sản phẩm từ sầu riêng.
Nếu tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không cần phải lo về chỗ đứng, thị phần mà có thể vượt qua sầu riêng của Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cơ hội mở rộng thị trường được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Xu hướng ngày càng phổ biến của sầu riêng vượt ra ngoài thị trường châu Á, đưa sầu riêng trở thành một sản phẩm xuất khẩu chính với diện tích trồng lớn và sản lượng cao.
Chất lượng tốt, không lo thiếu đầu ra
Năm 2024, giới chuyên gia nhận định, những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu mang về 6,5 tỷ USD đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, đồng thời các DN vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc… Tuy nhiên, cơ hội kèm theo đó là sự tuân thủ yêu cầu của thị trường. Theo đó, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kỹ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Vinafruit nhận định, ngành rau quả đang có rất nhiều cơ hội để bứt phá. “Nếu trái cây chúng ta đạt chất lượng cao, chúng ta không phải lo về vấn đề tiêu thụ. Dù vậy với hơn 80% là trái cây xuất khẩu dạng tươi, đây cũng là những bất lợi lớn do đó, về lâu dài cần phải đẩy mạnh chế biến, đa dạng sản phẩm thay vì xuất khẩu thô”- ông Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh việc xây dựng và quản lý tốt vùng nguyên liệu đạt chuẩn để đảm bảo xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần có sự phối hợp, vào cuộc từ các DN, hợp tác xã từ đó có những khuyến cáo, tiêu chuẩn quy định cho người dân trong việc đảm bảo quy trình hướng đến sản xuất sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng của các thị trường đưa ra.