Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, năm qua ngành y tế Thủ đô đã tổ chức đoàn khảo sát tại 67 bệnh viện trên địa bàn, trong đó, có 41 sơ cở công lập và 26 bệnh viện ngoài công lập.
Theo đánh giá về sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú, có 84% hài lòng và hơn 91% bệnh nhân nội trú hài lòng với thái độ làm việc, phục vụ của các y, bác sĩ. Tỷ lệ này tăng so với năm 2017. Thực tế thì sự hài lòng của người bệnh chính là thước đo chất lượng phục vụ của ngành y tế.
Khám bệnh cho dồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu (Quảng Ninh).
Việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế cả nước hiện nay.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, những chuyển biến ấy bắt đầu từ việc thực hiện cơ chế tự chủ, dẫn tới cung cách phục vụ. Tức là các bệnh viện công lập hoàn toàn độc lập về tài chính, tự cân đối thu chi, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi ấy, bệnh viện công cũng như các bệnh viện tư, nguồn thu chính là từ bệnh nhân, bệnh viện nào không thu hút được người bệnh sẽ không thể tồn tại. Điều này bắt buộc các bệnh viện công lập phải đổi mới trong công tác quản lý, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, quá trình tự chủ tài chính ở bệnh viện diễn ra sớm hơn, từ 1/10/2017. Để tự chủ, điều cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo bệnh viện cũng như nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn khám chữa bệnh ở một bệnh viện khác, bởi hiện nay những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ bệnh viện nào trong cùng tuyến quận, huyện và từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và bệnh viện càng rơi vào khó khăn. Làm sao để khi người bệnh đến, họ và gia đình hài lòng, là thách thức không nhỏ đối với các bệnh viện thực hiện quá trình tự chủ.
Trước đó, trong năm 2018, Bộ Y tế cũng đã tiến hành công bố chỉ số hài lòng của người bệnh tại một số bệnh viện công lập. Theo công bố năm 2018, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,6% so với kỳ vọng của người bệnh.
Cùng với đó, năm 2018 cũng là năm ngành y tế đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất là thành quả phối hợp giữa Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan đã dược công bố thử thành công vào ngày 25/9/2018. Trong đó, vắc xin cúm mùa “3 trong 1” gồm: Cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1.Việt Nam cũng đã sản xuất vắc xin thành công sởi, vắc xin phối hợp Sởi - Rubella đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành ghép tạng Việt Nam đã làm nên kỳ tích thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Nhưng dẫu thế, tác động từ mặt trái của mạng xã hội cũng khiến người ta có những cái nhìn còn phiến diện, chưa bao quát về những cống hiến, những hi sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”. Ấy là những bác sĩ trẻ vừa ra trường đã tình nguyện về công tác ở 62 huyện nghèo trên cả nước. Vượt qua những thiếu thốn về tinh thần và vật chất, các bác sĩ trẻ về vùng sâu công tác, bằng tay nghề và tâm huyết của mình đã góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân. Và còn biết bao câu chuyện về các bác sĩ hết lòng nghiên cứu khoa học tìm ra con đường mới trong y khoa, sự nhiệt thành tâm đức của những tập thể y, bác sĩ đối với người bệnh vẫn còn làm thổn thức bao trái tim đồng cảm…
Song có mấy ai biết được bao nhiêu áp lực mà người bác sĩ phải gánh trên vai khi hành nghề y? Có bao nhiêu bác sĩ được tôn vinh vì những cống hiến cho nền y học, cho sự chữa trị bệnh nhân? Chữa trị hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, hồ dễ đã mấy ai nhớ, chỉ cần sơ sẩy, hay do vô ý sơ sẩy là rất có thể sẽ thành mục tiêu... dằn hắt của cộng đồng.
Y khoa các nước Tây phương (và có lẽ mọi quốc gia trên thế giới ngày nay) các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Ở Việt Nam ta còn gọi là “Lời thề y đức”. Lời thề này được các sinh viên y khoa đọc và nguyện làm theo. Chỉ mong rằng dù ở hoàn cảnh nào, những “chiến sĩ áo trắng” cũng nỗ lực giữ trọn lời thề y đức, không quản ngại trước những kỳ vọng và trông đợi của người bệnh. Mà hôm nay, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, một lần nữa xin được nhắc lại điều đó.