Sau TPHCM và Bình Dương, tỉnh Long An vừa tiến hành khởi công dự án đường Vành đai 3, dự án có quy mô lớn nhất và quan trọng nhất khu vực phía Nam.
Ngày 30/6, tại điểm nút giao giữa cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc TPHCM-Trung Lương (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), UBND tỉnh Long An đã tổ chức khởi công Dự án đường Vành đai 3TPHCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An bày tỏ vui mừng về sự chủ động, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh Long An. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương chính quyền và nhân dân huyện Bến Lức, cộng đồng doanh nghiệp dọc tuyến đường đã đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong một thời gian ngắn đã bàn giao mặt bằng để chuẩn bị cho công tác triển khai dự án quan trọng này.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đường Vành đai 3 là một trong 6 trục động lực kinh tế của tỉnh, gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4 (kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam bộ - TPHCM); Trục động lực Quốc lộ 50B (kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang); Trục động lực song hành Quốc lộ 62 (kết nối TP Tân An - khu kinh tế cửa khẩu Long An - vùng Đồng Tháp Mười) – cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp – Long An; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh (kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TPHCM); Trục động lực Quốc lộ N1 (kết nối Long An với vùng ĐBSCL - vùng Đông Nam bộ - vùng Tây Nguyên); Trục động lực Đức Hòa (kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với TPHCM).
Dự án đường Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An có tổng chiều dài 76km, với điểm đầu ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối ở huyện Bến Lức. Dự án có khoảng 6,84km đi qua địa bàn tỉnh Long An, nằm trong dự án thành phần số 7và 8 với nguồn vốn đầu tư là 4.208 tỉ đồng.
Tại Long An, hiện dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 97%, đúng theo kế hoạch chung phối hợp giữa các địa phương là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh tuyến chính thiết kế chuẩn cao tốc có 4 làn xe thì dự án có đường song hành (không liên tục) chuẩn đô thị. Cũng tại buổi lễ, đại diện chủ đầu tư thi công dự án đã cam kết sẽ cùng các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm hết sức mình để đảm bảo dự án được thực hiện với chất lượng tốt nhất, khối lượng, chi phí hợp lý và chậm nhất đến tháng 10-2025 cơ bản thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc và hoàn thành đưa vào sử dụng toàn dự án trong năm 2026.