Theo cuốn “Thần thoại Hy Lạp” bản tiếng Việt dịch từ tiếng Pháp của Nhà xuất bản Larousse thì: “Thượng đế sau khi đã ban hết các đức tính cho các loài vật như: cần cù, siêng năng, chịu khó, chịu khổ, kiên nhẫn, can đảm, cố gắng ... nay sinh ra loài người để cai quản tất cả muôn loài trong vũ trụ thì ngài biết ban cho họ thêm đức tính nào đây?”. Việc này làm Thượng đế rất băn khoăn, ngài bèn mời các vị thần thông thái nhất trên Thiên đình đến bàn bạc. Sau khi bàn bạc, các vị đều thống nhất một tiêu chí như sau: “Đức tính sắp sửa ban cho loài người này phải vượt trội, phải cao quý, phải cực kỳ gian khổ mới đạt được để khác xa so với các đức tính của các loài động vật đã có mặt trên trái đất”. Kết thúc Hội nghị, dựa vào đa số phiếu, Thượng đế đã quyết định ban cho loài người một đức tính hết sức cao quý, đó là “Lòng tự trọng”.
Theo “Từ điển tiếng Việt phổ thông”, thì: “Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách và danh dự của mình. Thí dụ: Một người biết tự trọng. Chạm vào lòng tự trọng”.
Theo "Từ điển tiếng Việt" do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành, tái bản lần thứ 3, trang 916 thì: “Tự trọng là giữ cao nhân cách, thể diện mình, không hạ mình làm việc xấu xa, đê tiện, trái lương tâm. Thí dụ: Biết tự trọng thì mới được người khác coi trọng”.
Nhà triết học vĩ đại Marie Arouet Voltaire (1694 - 1778) đã nhận xét: “Thật khó có thể có một xã hội được thành lập và tồn tại nếu những người sống trong xã hội ấy thiếu lòng tự trọng”.
Nữ văn sĩ Pháp lừng danh, bà Maquise du Chatelet (1706 - 1749) đã ca ngợi lòng tự trọng đầy vẻ tự hào, bay bổng: “Lòng Tự trọng luôn là động cơ ẩn náu nhiều hay ít trong mỗi một hành động của chúng ta. Nó như luồng gió mạnh thổi căng cánh buồm. Không có luồng gió ấy thì con tầu không thể vượt biển được”. Nhân loại mãi biết ơn bà Chatelet, người có mặt trên dương thế rất ngắn nhưng đã có nhiều ý tưởng văn chương đầy màu sắc sinh động và lãng mạn.
Qua sự hướng dẫn của từ điển và các bậc tiền nhân ta đã khẳng định được: Lòng tự trọng là tiêu chuẩn căn bản để phân biệt giữa con người với các loài động vật khác, là tiêu chuẩn căn bản để xác định giá trị thực cho mỗi con người.
Lòng tự trọng cũng như mọi đức tính khác của con người như: lòng biết ơn, lòng thương yêu giúp đỡ đồng loại, lòng trắc ẩn, thói quen làm việc tốt việc thiện ... đều do rèn luyện, tu dưỡng từ nhỏ mới có được.
Lòng tự trọng bù đắp cho người ta những cái tài năng mà người ta thiếu, làm cho họ biết quý trọng những cái gì đã có hơn là những cái gì không có.
Boudier de Villemer
Ở tuổi học sinh, thanh thiếu niên, nhờ những bài học về đạo đức và giáo dục công dân trong nhà trường, nhờ phong trào học tập gương “Người tốt việc tốt” mà người công dân nhỏ tuổi phải có được những đức tính sau đây:
Đức tính sống trung thực: không nói dối cha mẹ, thầy cô giáo, bạn cùng lớp. Không lấy tiền không phải của mình. Không quay cóp lúc làm bài kiểm tra trong lớp. Không nói xấu người khác sau lưng họ (khi họ không có mặt)... Nếu những năm tiểu học các em giữ được sự trung thực này thì có hy vọng càng học lên các em càng tốt hơn. Nếu em nào không có được lòng trung thực thì cha mẹ nên lo ngại và cần phải chú ý theo sát các em nhiều hơn, vì càng lớn, càng lên lớp trên càng có nhiều cơ hội để các em thiếu trung thực. Có em đang chơi game hoặc xem phim cấm, thấy người lớn mở cửa vào phòng vội vàng tắt đi. Có trường hợp có em không kịp đóng máy tính khi bố mẹ vào phòng đã gây ra những tình huống tồi tệ đau lòng trong gia đình lúc đã về khuya. Vết thương đó nếu không “băng bó” kịp thời, nếu không khu trú kịp thời thì nó sẽ nặng hơn mãi.
Đức tính tiếp theo là phải biết yêu quý, bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái lương thiện và ngược lại, phải biết ghét, biết tẩy chay, biết xa lánh cái xấu, cái ác, cái bất công, cái không có nhân tính.
Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên thì vai trò gương mẫu của cha mẹ, người lớn tuổi và các thầy cô là cực kỳ quan trọng. Nếu người lớn nói một đằng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm sẽ là tấm gương xấu cho các em trong những buổi đầu khi đang hoàn thiện nhân cách và nó sẽ đi theo các em đến suốt cuộc đời. Nhiều ông bố bà mẹ ngang nhiên buôn gian bán lận trước mặt con cái, ăn đút lót, tham nhũng, nhận hối lộ chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả là con cái họ hư hỏng, tù tội và bị loại khỏi xã hội lương thiện trong tương lai.
Còn các ông bố bà mẹ biết lo lắng, giữ gìn sự lương thiện, sự trong sạch cho con mình từ thuở ban đầu học làm người chính là đã tiếp thêm năng lượng sống cho con mình, giúp con mình can đảm vượt mọi gian khổ để quyết vươn lên làm người lương thiện. Một tác giả ẩn danh đã viết: “Những người dối trá rất đáng thương, vì họ đã không đủ trí tuệ để làm người lương thiện”. Thật quá chí lý, quá xác đáng và thực tế đã chứng minh câu nói này là hoàn toàn chính xác.
Trong các sách “Dạy làm người” của thế kỷ trước, nhiều nhà đạo đức học đã nói rất cụ thể: “Lòng tự trọng không cho phép người thầy giáo nhận tiền của học trò, người thầy thuốc không được nhận tiền của bệnh nhân, nhất là của những người nghèo, mẹ góa, con côi”.
Nhà triết học Boudier de Villemer đã viết: “Lòng tự trọng bù đắp cho người ta những cái tài năng mà người ta thiếu, làm cho họ biết quý trọng những cái gì đã có hơn là những cái gì không có”. Đúng như thế. Người có lòng tự trọng luôn tự hào và hãnh diện về bản thân mình vì họ biết tự đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình. Có thể nói người có lòng tự trọng đã chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng được cái “tôi” đáng ghét để vững vàng dựa vào khả năng mình có được mà vững bước vươn lên. Những người có lòng tự trọng không bao giờ để những cám dỗ vật chất tầm thường làm hỏng cả một tương lai lâu dài của họ.
Điểm lại những gương mặt tội phạm mà đài báo đã đưa tin công khai vừa qua, ai ai cũng nhận ra đó là những bọn người không có lòng tự trọng, sẵn sàng đánh đổi cả một sự nghiệp đã bao gian khổ mới có được để nhận lấy mấy miếng mồi vật chất tầm thường. Các cụ ta xưa có câu: “Đốn củi 3 năm, 1 giờ thiêu trụi” chính là để chỉ những người đã có địa vị xã hội cao, có danh, có phận trong xã hội mà phải ra trước pháp luật và dành cả quãng đời còn lại trong lao tù. Đó là những người đã từ bỏ, đã đánh mất lòng tự trọng nên mới có kết quả cay đắng như thế. Đến đây có thể nói: “Lòng tự trọng như một cái lá chắn để che chở cuộc đời của mỗi chúng ta”.
Tác giả Marie Valyère đã phân tích rõ thêm về sức mạnh của lòng tự trọng dưới một góc nhìn tích cực khác: “Nhờ có lòng tự trọng mà chúng ta có thể chịu đựng mọi gian khổ, mọi vất vả”. Nhận xét này của Valyère quá đúng vì đứng trước hai con đường: một đường chấp nhận mọi cám dỗ vật chất để tự hủy hoại cuộc đời, một đường kiên trì nhẫn nại phấn đấu, chịu khó, chịu khổ để cố đạt đến một tầm cao mới chứ nhất định không chịu tha hóa, không chịu đầu hàng trước những cám dỗ vật chất tầm thường, vậy ta chọn con đường nào?
Cổ nhân đã từng dạy bảo: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành” chính là có ý nhắc nhở con người phải hướng đến cái cao quý, cái cao thượng dù phải tan vỡ, dù phải gian nan hơn là cố giữ lấy viên ngói tầm thường, ít giá trị. Cái chí khí cao thượng với lòng tự trọng của các nhân sĩ trí thức đi theo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã được lịch sử ghi lại rất rõ ràng. Các vị đó đã sát cánh cùng nhân dân kháng chiến đến cùng.
Nhiều vị đã hy sinh anh dũng, nhưng cái khí tiết, lòng tự trọng của những trí thức yêu nước vẫn tỏa sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Ngày nay trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều nhà trí thức, doanh nhân Việt kiều thành đạt đã trở về quê hương đất nước cống hiến trí tuệ và tiền bạc để xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà, họ từ chối mọi cám dỗ, giữ vững lòng tự trọng của người con đất Việt đối với quê cha đất tổ.
Qua các hồi ký hoạt động cách mạng của các vị nhân sĩ trí thức từ Pháp trở về đóng góp cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và các nhà tư sản dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong hòa bình, ta lại thấy rõ: Lòng tự trọng của các vị bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc, lòng tự hào dân tộc vững chắc.
Như vậy, lòng tự trọng có ở tất cả những con người trưởng thành. Nó không kể giàu, nghèo, nông thôn hay thành thị, đã là người thượng tôn pháp luật và đạo lý làm người thì ai ai cũng phải có lòng tự trọng để tự bảo vệ mình, tự tu dưỡng bản thân từ lúc niên thiếu cho đến suốt đời. Một người ít tài sản vẫn có thể ngẩng cao đầu vì luôn có lòng tự trọng trong suốt cả cuộc đời. Một người giàu có đứng trước vành móng ngựa của tòa án vẫn phải cúi đầu hổ thẹn vì đã đánh mất lòng tự trọng. Đúng như tác giả Mauvezin đã đánh giá: “Cái tương lai tốt đẹp không phải thuộc về người thông minh, chính nó thuộc về những ai có lòng tự trọng”.