Không đồng đều về lứa tuổi, mỗi người một gia cảnh khác nhau nhưng ở tất cả họ đều có chung một ước mơ được biết chữ. Hiểu được mong muốn đó, một lớp học của “các mệ, các chị” đã được mở ra dành cho ngư dân vùng biển Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cô Hiền bên lớp học thân thương của mình.
"Cô giáo của lòng dân"
Là giáo viên mầm non, hơn 16 năm công tác tại trường mầm non Phú Diên, cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền (37 tuổi, thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) khi tham gia sinh hoạt ở Chi hội phụ nữ xã đã biết được nguyện vọng của các mệ, các chị là mong muốn được học chữ. Từ đó cô Tâm quyết định xin phép thôn mở lớp học dạy chữ miễn phí. Không có lương, cũng không được phụ cấp bất cứ gì thế nhưng với cái tâm và sự nhiệt huyết của mình, mỗi tuần 4 buổi, cô Hiền đều đặn lên lớp đứng bục giảng.
Nói về lớp học đặc biệt này, cô Hiền vui vẻ chia sẻ rằng: “Thương mọi người mặc dù ai cũng đã lớn tuổi nhưng vẫn mơ ước được biết chữ. Lớp học này mở ra, sau mấy tháng đi học, ai cũng đã biết đọc biết viết đây chính là động lực giúp tôi có thêm niềm vui để đến lớp”.
Không chỉ dạy chữ, cô Hiền còn đi vận động các nhà hảo tâm quyên góp để mua sách vở, bút viết phục vụ cho lớp học. Ngoài cô Hiền đứng lớp chính còn có cô Nguyễn Thị Nở đứng lớp cùng. Khó khăn lớn nhất không phải là cơ sở vật chất mà là tâm lý tự ti của mọi người. Cô Hiền đã đến trực tiếp từng nhà, từng hộ gia đình để vận động, khuyến khích mọi người cùng đi học.
Những “học sinh” lớn tuổi chăm chú nghe cô giảng bài.
Sự tận tình của cô Hiền đã giúp bà con nơi đây không chỉ biết đọc, biết viết mà còn say mê hứng thú với việc đọc. Việc làm của cô Hiền đã đang làm thay đổi cuộc sống của vùng biển khó khăn này.
“Mái nhà” của 31 anh chị em
Như đã thành thói quen, 6 giờ 30 tối thứ 2, 4, 5, 6 hàng tuần, các mệ, các chị lại kéo nhau đến lớp. Lớp học rộng chưa đầy 30 mét vuông nằm giữ khu nghĩa địa, là nhà văn hóa thanh niên của thôn Phương Diên. Khai giảng từ tháng 8/2016, ban đầu có tầm trên 10 người học nhưng hiện nay đã có 31 người (29 nữ, 2 nam) và tất cả họ chủ yếu sống với nghề biển. Người lớn nhất cũng đã 64 tuổi, trẻ nhất là 27 tuổi nhưng họ không ngần ngại để đến với lớp xóa mù chữ.
Bà Nguyễn Thị Bê (64 tuổi) , là một trong những học sinh lớn tuổi nhất tâm sự rằng: “Ở thôn tôi có nhiều người không biết chữ lắm, lên xã làm giấy tờ gì cũng nhờ người ta viết giúp cho. Bữa nay được đi học, biết chữ, tự viết được tôi vui lắm”.
Những nét chữ tập viết ban đầu còn mới trên trang giấy.
Anh Hồ Văn Tý, một trong hai nam học sinh của lớp chia sẻ: “Tôi cũng đã lớn tuổi nhưng không ngại cho mọi người biết là tôi không biết chữ. Không biết thì học có gì đâu mà ngại. Được cô Hiền dạy tận tình, nay tôi đã có thể biết đọc biết viết rồi. Tôi thực sự vô cùng cảm ơn cô”.
Lớp học đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền ở vùng biển Phú Diên
đã giúp cho nhiều người dân lao động lớn tuổi biết chữ.
Được biết, UBND xã Phú Diên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang cung cấp sách, vở, bút viết tạo mọi điều kiện để mọi người được đi học. Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết: “Toàn xã hiện nay có 2 lớp xóa mù chữ, lớp của cô Hiền là một trong số đó. Sau một thời gian tổ chức dạy xóa mù chữ, lớp học đã giúp nhiều bà con biết đọc biết viết, góp phần đưa xã ngày càng phát triển đi lên”.
Khi ánh nắng chiều tắt, xẩm tối là khi lớp học bắt đầu. Nhìn các mệ các chị ai cũng say sưa đánh vần, phát âm từng chữ cái mà thấy cảm động và thương cho tấm lòng của cô Hiền, cô Nở cũng như sự hiếu học của các “học trò” đã là cha mẹ, ông bà. Mọi người trong lớp rất thương yêu nhau, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ. Những nét chữ đầy cố gắng vẫn còn thơm mùi mực, những tiếng đánh vần ngọng nghịu cứ văng vẳng, và ước mơ về một ngày mai tươi sáng của bà con vùng sóng nước Phú Diên sẽ không còn xa nữa.
Những dòng chữ đầu tiên viết bằng phấn trắng trên bảng xanh của người dân vùng biển
Phú Diên thắp lên ước mơ "biết chữ" của bà con. Và nhờ công sức của cô Hiền,
cô Nở mà những ước mơ tuy nhỏ nhoi ấy đã trở thành hiện thực.