Theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Một khảo sát khác PwC - công ty kiểm toán hàng đầu thế giới thì nếu phân loại lừa đảo có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa bên trong và bên ngoài.
Về phía các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, 52% DN tham gia khảo sát của PwC Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á - Thái Bình dương và mức 49% của toàn cầu. Đối tượng lừa đảo các DN Việt Nam là từ khách hàng (36%), nhà cung cấp (21%) và các bên trung gian, đại lý (14%).
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các DN Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, “sân chơi” rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn và phức tạp hơn. Các vụ lừa đảo và tranh chấp mà DN thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng thừa nhận Việt Nam khi vào “sân chơi” mở rộng đồng nghĩa với rủi ro sẽ nhiều hơn. Vụ việc 76 containers hạt điều của 5 DN xuất khẩu sang thị trường Italy hồi tháng 3/2022 được ông Hải cho là một ví dụ điển hình.
Ông Hải cũng cho rằng đa phần các DN của chúng ta rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế, trong khi đó lại quá tin tưởng vào môi giới, đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, rủi ro đối với DN xuất nhập khẩu là rất lớn.
Cùng chung cảnh báo, ông Đặng Khánh Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) lưu ý tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều tại các thị trường lớn, uy tín như Mỹ, châu Âu thay vì tập trung ở các thị trường khu vực châu Phi như trước đây. Ông Linh chỉ ra 4 hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến, gồm: Thành lập công ty “ma”; nêu các khó khăn, viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện hợp đồng, không thanh toán, không chuyển hàng như đã thỏa thuận; giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán; lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, thông báo trúng đấu thầu.
Trên thực tế, không có phương thức thanh toán quốc tế nào hoàn hảo. Đồng tình với nhận xét này, bà Trương Thị Diệu Quế - Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại Vietcombank, cho biết hiện nay trong thương mại quốc tế chúng ta sử dụng 3 phương thức thanh toán là chuyển tiền (T/T), thư tín dụng (L/C) và nhờ thu kèm chứng từ (D/P). Nếu tính theo khối lượng giao dịch, hiện nay xu hướng T/T là nhiều nhất, ứng dụng trong giao dịch có mức độ rủi ro thấp. Những món trị giá lớn thông thường dùng L/C. Còn đối với giao dịch D/P, kinh nghiệm cho thấy, chỉ sử dụng phương thức này đối với các đối tác thân thiết, truyền thống, không nhờ thu với các giao dịch mới.
Bà Quế lưu ý, đối với phương thức D/P, thông thường DN đến ngân hàng xuất trình bộ chứng từ để ngân hàng gửi đi thu hộ, tức là khi hàng đã lên tàu. Đáng tiếc, rất ít khách hàng sử dụng dịch vụ nhờ thu mà đề nghị ngân hàng tư vấn giúp trong giao dịch này nên lựa chọn ngân hàng nào, kênh thanh toán nào. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng cũng rất khó để thương lượng chuyển sang ngân hàng khác trong khi khách hàng chỉ có tài khoản ở một ngân hàng đó. Từ đó sẽ dẫn đến rủi ro. “Trong trường hợp có sự xuất hiện quá nhiều các bên tham gia ở các quốc gia khác nhau, đường đi vòng vèo cũng là dấu hiệu cảnh báo để chúng ta nghi ngờ” - bà Quế nhận định.
Về vấn đề này, theo vị Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong thương mại quốc tế, ngân hàng không chỉ đóng vai trò tổ chức thanh toán mà còn có vai trò tư vấn. Bởi ngân hàng có hệ thống đại lý của mình và có thể tư vấn cho người bán biết một ngân hàng do người mua chỉ định có tin tưởng được hay không. Nếu không tin tưởng ngân hàng người mua, người bán nên thương lượng, đề nghị người mua chuyển sang ngân hàng khác, hoặc thay đổi phương thức thanh toán, hoặc yêu cầu phải có thêm bảo lãnh ngân hàng.
Để tránh rủi ro và trở thành nạn nhân của lừa đảo thương mại quốc tế, ông Hải khuyến cáo DN cần yêu cầu người mua đặt cọc. Điều này vừa giúp chứng minh người mua thực sự có tài khoản ở ngân hàng, vừa thể hiện cam kết, ý chí thực sự của người mua.
“Việc yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác mới, doanh nghiệp không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này” - ông Hải khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Tham tán chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ), doanh nghiệp cần lưu ý để tránh bị lừa đảo: đó là sử dụng uy tín của cá nhân hay hội nghị, tổ chức nào đó để các bên môi giới, hay người mua, người bán có thể sử dụng lòng tin để lừa đảo. Doanh nghiệp xuất khẩu phải kiểm tra đối tác, không dễ dãi tin vào môi giới. Một vấn đề nữa, trong việc ký kết hợp đồng cần chú ý tới con số. Nếu con số quá tròn trĩnh hoặc lớn một cách bất thường rất có thể là dấu hiệu của sự lừa đảo. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần có cơ quan tư vấn là Thương vụ, cơ quan ngoại giao hay công ty luật, hiệp hội tư nhân… để nhờ kiểm tra, xác minh khách hàng. Nếu không thành thạo phải sử dụng chuyên gia, tư vấn.