Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó bùng phát lừa đảo với đích nhắm là tài khoản ngân hàng.
Bị thao túng tâm lý, mất cảnh giác bà T.T.C. (Bắc Ninh) đã mắc bẫy một vụ lừa đảo qua mạng mất hơn 26,5 tỉ đồng chỉ sau 3 ngày mở tài khoản ở hai ngân hàng. Vụ việc xảy ra từ tháng 4/2022, đến nay đã hơn một năm. Bà cầu cứu, trình báo các cơ quan chức năng, thậm chí khởi kiện ra tòa nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền.
Theo bà T.T.C, tháng 4 năm ngoái nhận được điện thoại của một người tự xưng là cơ quan thanh tra giao thông tại Đà Nẵng cáo buộc bà đã gây tai nạn chết người ở Đà Nẵng và phải đến trình báo. Khi bà phủ nhận hoàn toàn thông tin này, người gọi điện kết nối bà với một người tên Hải tự xưng là cảnh sát điều tra. Ông Hải cho hay bà C. có lệnh bắt của viện kiểm sát liên quan đến một đường dây ma túy. Hiện đã bắt được hai người và chúng khai có 20 tỉ đồng trong tài khoản mang tên bà T.T.C. Người này còn nói bà C. phải mở ngay tài khoản ở hai ngân hàng mà họ chỉ định rồi gửi vào mỗi tài khoản 20 tỉ để chứng minh đây là tiền của bà T.T.C chứ không có liên quan gì đến đường dây ma túy. Kết thúc cuộc điện thoại với người tên Hải, bà T.T.C. đã vội vàng đến hai ngân hàng khác nhau để mở tài khoản bằng hộ chiếu. Người tên Hải liên tục hối thúc gửi tiền, và lo sợ bị làm hại, bà C. đã vay mượn gửi vào hai số tài khoản mới hơn 26,5 tỉ đồng.
Tại hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” mới đây, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, lừa đảo trực tuyến đã và đang bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm đối tượng lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.
Một hình thức lừa đảo mới xảy ra gần đây là kẻ gian giả mạo công chức, viên chức, cơ quan nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile,…) để chiếm quyền điều khiển điện thoại, thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…
Trong khi đó, số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra hơn 11.200 vụ tấn công mạng tại Việt Nam. Đáng chú ý, số vụ tấn công lừa đảo chiếm tới 35%, cho thấy mức độ nghiêm trọng và phạm vi tấn công của tội phạm mạng ngày càng không ngừng được mở rộng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Về nguyên nhân tăng, có thể thấy việc mua sắm trực tuyến gia tăng, cùng với sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt... trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế.
Về vấn đề này, luật sư Lương Huy Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH LawKey - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác tránh rơi vào các kịch bản thao túng tâm lý người có tiền gửi ngân hàng từ các cá nhân, tổ chức tội phạm công nghệ cao. Hiện không ít người gửi tiền đang hoang mang cho rằng không biết lúc nào mình sẽ là nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo, cũng như tài sản của họ gửi trong các tổ chức tín dụng nếu có xảy ra sự cố, ngân hàng sẽ bảo vệ khách hàng thế nào, hay cuối cùng người gửi tiền vẫn là người phải gánh chịu hậu quả "tiền mất tật mang". “Do đó các tổ chức tín dụng cần tăng cường đầu tư công nghệ cao nâng cấp hệ thống bảo mật chống harker, có quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng khi tư vấn mở tài khoản mới, hướng dẫn khách hàng quản lý, sử dụng tài khoản an toàn”, luật sư Hà kiến nghị.
Thượng tá Cao Việt Hùng - Phó trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị các ngân hàng tăng cường hơn công tác phối hợp giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc và mua bán dữ liệu khách hàng.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm quyết liệt ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến gây nhức nhối trong thời gian qua, Bộ đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Theo đó, trong chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" (từ tháng 6 - 7/2023) được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Trong năm 2022, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.