Khu vực DN FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình DN khác với 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ 27,9%.
Đó là một phần trong báo cáo về tình hình DN năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong tuần trước. Không chỉ dừng lại ở những nghịch lý trong việc làm ăn khấm khá, đóng góp cho ngân sách thấp, tình hình vốn, lao động, năng suất của khối DN FDI cũng cho thấy những bất cập trong quản lý.
Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực DN nhà nước (bao gồm DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước chiếm trên 50%) có 2.486 DN thực tế đang hoạt động, giảm 6,6% so với năm 2016; khu vực DN ngoài nhà nước có 541.753 DN, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 DN, tăng 15,5%. Tổng doanh thu của khu vực DN ngoài nhà nước là 11,7 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực DN FDI là 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 20,6%; khu vực DN nhà nước là 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,1%.
Có một thực tế diễn ra, nhiều DN Việt Nam chỉ chuyên hoạt động gia công hàng hóa cho DN nước ngoài. Đặc biệt là tập trung gia công trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về các nhóm hàng: Dệt may, giày dép; điện tử máy tính; điện thoại và hàng hóa khác. Dù các DN Việt Nam đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu là tăng về quy mô vốn và lao động, trong khi tốc độ vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Phần lớn DN chỉ làm nhiệm vụ “ đạp máy khâu” để thu lợi nhuận chứ chưa có sáng tạo nhiều.
Hiện DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thấp. Điều này cũng chứng minh cho thực tế, các dự án FDI tỷ lệ nội địa thấp, giá trị tạo ra không cao, chưa tạo mối liên kết với DN Việt cùng tham gia chuỗi giá trị, hoạt động chuyển giao công nghệ, đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng. Việt Nam tuy được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới đối với các DN sản xuất, nhưng hiện chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này là rất thấp so với chỉ số trung bình 46% của các quốc gia cùng thuộc khu vực ASEAN.