Heo bị tiêm thuốc an thần, tôm bơm tạp chất, trái cây ngâm chất bảo quản, rau xanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cà phê bẩn... gây bức xúc dư luận xã hội. Vấn đề là giải quyết ra sao?
Vấn nạn thực phẩm bẩn đã được cảnh báo nhiều lần, liên tục; cơ quan quản lý cũng liên tục kiểm tra, xử lý song tình hình không mấy thuyên giảm. Theo Bộ Y tế, 11 tháng năm 2017 cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có gần 4.000 người mắc và đi bệnh viện, 24 trường hợp tử vong. Nhận định của giới chuyên gia trong ngành, số vụ ngộ độc ghi nhận qua từng năm chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì nhiều trường hợp khác chưa được thống kê đầy đủ hoặc sử dụng thực phẩm bẩn nhưng chưa nhận thấy tác hại tức thời.
Lo lắng về sự mất an toàn thực phẩm đối với người dân, nhiều cơ quan quản lý cùng vào cuộc, cùng quản lý như Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công thương,… Tuy nhiên, hiệu quả không cao mặc dù số vụ kiểm tra, xử lý không hề nhỏ. Bộ Y tế thống kê, năm 2017 cả nước có 23.400 đoàn thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở 625.060 cơ sở. Kết quả phát hiện gần 124.000 cơ sở vi phạm.
Nhằm đảm bảo chất lượng sống cho người dân, một số địa phương quyết liệt triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chủ trương xây dựng thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn. Thế nhưng, sau một thời thực hiện đến thời điểm này cơ quan quản lý vẫn luẩn quẩn với công tác quản lý thực phẩm. Vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hậu quả, thực phẩm bẩn mang tiếng xấu cho cả thị trường, vì người dân e dè sử dụng các sản phẩm tương tự, hoạt động xuất khẩu mang tai tiếng ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nguyên nhân, người tiêu dùng và đặc biệt là doanh nghiệp chưa có tinh thần cao trong việc bảo vệ và xây dựng một thị trường tiêu dùng trong sạch. Hầu hết thờ ơ, làm ngơ khi phát hiện thực phẩm bẩn, thay vì cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Lý do chủ yếu, người tiêu dùng sợ mất thời gian, tiền bạc. Về phía cơ quan quản lý, có tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành phát hiện nhiều sự việc nhưng xử lý thiếu răn đe, giải quyết không rốt ráo.