Luật Chuyển đổi giới tính nhận được sự đồng thuận cao

H.Vũ 13/05/2023 07:15

Ngày 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Sự cần thiết của việc xây dựng luật đã nhận được sự tán thành của các đại biểu.

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, trình bày tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho biết, Bộ luật Dân sự đã có sự phân định rất rõ ràng quyền xác định lại giới tính (Điều 36) và quyền chuyển đổi giới tính (Điều 37). Việc xác định lại giới tính dành cho những người có giới tính khi sinh chưa hoàn chỉnh nên phải xác định lại giới tính. Hiện nay, vấn đề xác định lại giới tính đang được thực hiện bằng Nghị định số 88/2008/NĐ-CP và không có vướng mắc trên thực tiễn. Do đó, đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính chỉ triển khai quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự, không quy định nội dung của Điều 36 Bộ luật Dân sự.

Theo ông Trí, luật thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ, vì nếu xét theo khái niệm Bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề gây tranh cãi nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này.

Cụ thể, luật có 4 chính sách gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; và thẩm quyền thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Về chính sách điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, ông Trí cho biết được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

Chính sách về thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân được điều chỉnh theo hướng, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Thẩm tra vấn đề trên, bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình. Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng luật và thấy rằng, các chính sách do ĐBQH đề nghị đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế (đã chuyển giao cho ĐBQH) và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của luật đã được thay đổi.

Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính. Theo đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung cả trường hợp “xác định lại giới tính của cá nhân” theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự cũng thuộc phạm vi của thực hiện chuyển đổi giới tính.

Về nhóm chính sách 2 thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân, Ủy ban Pháp luật đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời, cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Nhất trí về căn cứ pháp lý và sự cần thiết ban hành luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, đảm bảo thực hiện quy định về chuyển đổi giới tính tại Bộ Luật Dân sự 2015, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là dự án luật có nội dung mới, khó và khá nhạy cảm và còn nhiều quan điểm ý kiến khác nhau. Do đó cần nghiên cứu tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia pháp luật đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung như về mức độ can thiệp y học và điều kiện để được can thiệp y học, rà soát hệ thống pháp luật, dự kiến các văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung để triển khai khi thành luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng và trình ban hành Luật Chuyển đổi giới tính được xây dựng và căn cứ vào Hiến pháp. Theo bà Hương, Bộ Y tế, Chính phủ ủng hộ và hỗ trợ ĐBQH Nguyễn Anh Trí trong việc hoàn thiện hồ sơ và xây dựng dự án luật này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đồng tình với sự cần thiết xây dựng và trình ban hành Luật Chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên bà Oanh đề nghị lùi lại 1 kỳ so với đề xuất mà đại biểu Nguyễn Anh Trí trình để đảm bảo chất lượng. Theo đó, kỳ họp thứ 8 sẽ xem xét cho ý kiến.

Qua lấy phiếu, với 12 ý kiến tán thành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để Quốc hội cho ý kiến.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2021 dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch.Quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán. Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách. Tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước đạt 82,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Chuyển đổi giới tính nhận được sự đồng thuận cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO