Ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Chính phủ một lần nữa xin lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép lùi thêm 1 kỳ họp nữa.
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại kỳ họp thứ 3 Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội.
Thẩm tra nội dung trên, liên quan đến việc Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần. Lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ 4.
“Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định”, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, chỉ lùi dự án Luật Đất đai sửa đổi 1 kỳ, vì tháng 5 này Trung ương cho ý kiến và có Nghị quyết. Đến tháng 10 phải trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Theo ông Định, đây là dự án rất cấp thiết mà từ trước đến nay đưa vào chương trình và đưa ra lần này lần thứ 4. Bởi vì hiện nay chưa có Nghị quyết Trung ương, nếu kỳ họp thứ 3 này mà thảo luận song song với Nghị quyết Trung ương thì chưa thích hợp mà Chính phủ chuẩn bị không kịp. Sau Nghị quyết Trung ương, Chính phủ thể chế thì tháng 10/2022 thảo luận lần đầu, tháng 5/2023 thảo luận lần 2. “Nếu tốt thì thông qua luôn, nếu chưa tốt thì tháng 10/2023 mới thông qua được. Bố trí là 3 kỳ họp vì đây luật quan trọng”, ông Định cho hay.
Báo cáo thêm về việc lùi dự án Luật Đất đai sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và môi trường được phân công chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) từ năm 2021. Theo Nghị quyết 17 của Quốc hội, dự án luật được trình cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 3. Đến nay cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện các dự thảo luật, tờ trình, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, báo cáo đánh giá tác động các chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung. Bộ đã cùng với Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị đánh giá tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương. Tuy nhiên, việc xây dựng những nội dung cần đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Cần thiết có nghị quyết của Trung ương tổng kết Nghị quyết 19 làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật, và là căn cứ quan trọng trong công tác lấy ý kiến, thẩm định và trình Quốc hội.
“Hôm nay Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Trung ương có chỉ đạo, là cơ sở chính trị để sửa đổi Luật Đất đai. Đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là lùi thời gian và xác định trình vào kỳ họp thứ 4 sau có nghị quyết của Trung ương. Vì dự án luật đã lùi nhiều lần, đến nay không thể không lùi được. Bởi căn cứ chính trị pháp lý của dự án này phải có nghị quyết của Trung ương đổi mới chính sách pháp luật về đất đai”, ông Nhân cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 1 kỳ họp, trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 4 như Ủy ban Pháp luật đề xuất. Sau đó có những bước đi tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội cho biết, về xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19 của của Trung ương. Sau kỳ họp thứ nhất đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lĩnh vực này. Cho nên lần này phải quyết tâm, không thể lùi được nữa.
Rà soát, tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 16/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay từ đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ nét hơn ba nhóm chính sách trong dự án Luật gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa để phòng, chống bạo lực gia đình, bởi hậu quả về vật chất, tinh thần của bạo lực gia đình là rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự thảo Luật, quy định về bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục chưa rõ, trong khi sự giày vò về tinh thần nhiều khi còn nặng nề hơn thể chất. Ngoài ra, ban soạn thảo cần tiếp tục bổ sung, làm rõ đối tượng bạo lực gia đình đối với những người từng sống chung với nhau, từng có quan hệ nuôi dưỡng như “con nuôi”; đặc biệt rà soát đối với mẹ kế bạo hành với con riêng của chồng hoặc bố dượng xâm hại, bạo hành với con riêng của vợ...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án Luật. MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện vào dự án Luật này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào tháng 5/2022).
P.V.