Sau 14 năm thực hiện, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến trước khi xem xét thông qua. Đây được xem là bước đột phá trong việc “cởi trói” và nâng tầm cho bộ môn nghệ thuật này.
Thay đổi nhiều quy định
Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày trước Quốc hội, Luật Điện ảnh sau 14 năm thực hiện đang phát sinh số vấn đề mới cần bổ sung như công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Điện ảnh hiện hành cũng chưa theo kịp, phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; cũng như đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.
Với 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong đó, chương VI về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm 2 mục, là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành. Ngoài ra, Dự thảo Luật đã loại bỏ “phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” vì Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ; phim xuất khẩu phải có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1 Điều 10. Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển.
Cần có cách nhìn “mở”
Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua điện ảnh Việt Nam vẫn đang vướng phải những “rào cản” bởi những quy định “lỗi thời” hay những ý tưởng vẫn chỉ nằm trên giấy. Đơn cử như việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sau nhiều năm bàn luận thì cho đến khi dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội vẫn là những tranh luận chưa đi đến hồi kết. Bởi theo dự thảo nguồn kinh phí của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ gồm 3% doanh thu bán vé phim nhập khẩu chiếu rạp, 1% tiền thuê bao các ứng dụng xem phim xuyên biên giới, 0,05% thuê bao truyền hình trả tiền, 0,5% doanh thu quảng cáo phim truyền hình. Đây là các nguồn thu cố định để duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Tuy nhiên, đề xuất này khi đưa ra lại vướng phải nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi. Đơn cử như việc trích quỹ sẽ buộc các đơn vị sản xuất phải tăng giá vé trong khi đó việc kích cầu thu hút khán giả đến rạp đang là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chưa kể, sau 2 năm khủng hoảng bởi Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp điện ảnh khốn đốn thì việc phải lo thêm một khoản kinh phí để đóng Quỹ sẽ làm khó cho chính các đơn vị.
Đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ, Quỹ cần phải do Nhà nước cấp kinh phí, được nhà chuyên môn điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ phim của nhà làm phim trẻ, nhất là phim đầu tay. Trong luật hiện nay không có điều khoản nào có thể cho phép dùng ngân sách nhà nước làm những phim đậm tính nghệ thuật để mang đi tranh giải tại các liên hoan phim. Nếu không có Quỹ để thay thế cho mục đích đó sẽ dẫn đến việc Nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh Việt Nam xác lập vị thế văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nội dung về thành lập và mục đích của Quỹ còn dàn trải, mục tiêu hỗ trợ của Quỹ không tập trung sẽ dẫn đến không hiệu quả. Ngoài ra, việc hỗ trợ của Quỹ có những phần trùng lặp với các mục chi từ ngân sách và các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh. Đặc biệt, mục đích “Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường quay bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt” nên cần được cân nhắc. Vì đây là hạng mục liên quan đến quy hoạch ít liên quan đến các mục đích khác của Quỹ, do đó không khả thi.
Mới đây, tại tọa đàm “Ai nói giơ tay”, ông Park Sung Ho, Giám tuyển Liên hoan phim Busan chia sẻ, Hàn Quốc cũng có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và được quy định trong Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc. Trong đó, họ quy định nguồn thu Quỹ trích phí 5% trên vé xem phim của khán giả, theo cách thức thu hợp lý và cơ chế cụ thể. Ông Park Sung Ho cũng cho biết thêm, Hàn Quốc thường có hơn 300 phim ra đời và 50% trong số này đều thuộc hỗ trợ của Chính phủ. Động thái này của Chính phủ Hàn góp phần giảm tối đa sức ảnh hưởng của phim ngoại, tạo sân chơi công bằng cho phim nội.
Với sự hội nhập và phát triển, thực tế các quy định của Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng nên cần có một cái nhìn khách quan, thực tế và lấy kinh nghiệm từ các nền điện ảnh tiên tiến.
Theo các chuyên gia văn hóa, tại các quốc gia phát triển hiện có nhiều loại quỹ điện ảnh. Ngoài kinh phí của Nhà nước, các quỹ điện ảnh khác thường tài trợ cho các dự án làm phim theo thể loại, đề tài. Có quỹ tài trợ cho phim tài liệu, quỹ tài trợ cho phim ngắn, quỹ dành cho phim truyền hình, quỹ dành cho phim về đề tài phụ nữ, quỹ dành cho phim sinh viên, quỹ dành cho phim truyện đầu tay, quỹ dành cho các nhà làm phim thuộc nhóm thiểu số, quỹ tài trợ cho việc viết kịch bản, quỹ tài trợ cho công tác hậu kỳ… Mặc dù khá đa dạng, tuy nhiên các Quỹ này đều hoạt động vô cùng sôi nổi và minh bạch các khoản thu chi.