“Luật hoá” cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài trong Luật Thủ đô sửa đổi

Việt Thắng 20/09/2023 11:50

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo.

Ngày 20/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tới dự phiên họp có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về mô hình tổ chức, ông Long thông tin dự thảo Luật tăng cường năng lực của HĐND TP trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14; theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung Ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội) nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.

Quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND TP thuộc TP Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc-thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây-thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai) với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù như: HĐND TP Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn. TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND TP thuộc TP Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ông Long cho biết để góp phần chuẩn hoá, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Điều 16 quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp TP; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

“Thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn. Do vậy, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục”-ông Long nói và cho biết tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND TP Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND TP là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Về việc tăng thêm biên chế, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết hiện tại Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị; vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội. Để bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Luật hoá” cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài trong Luật Thủ đô sửa đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO