Luật pháp nghiêm minh

Lê Anh Đức 11/07/2023 17:46

Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội chính thức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các cựu quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội... trong vụ án “chuyến bay giải cứu” nổi sóng dư luận trong thời gian qua. Trong số 54 bị cáo phải hầu tòa, có tới hơn 20 cựu quan chức với số tiền đưa nhận hối lộ đặc biệt lớn khiến một số ý kiến cho rằng đây là “phiên tòa thế kỷ”.

Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội bị đưa tới phiên toà. Ảnh: Lê Khánh.

Xét về góc độ số bị cáo phải hầu tòa, số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới tòa thì vụ án “chuyến bay giải cứu” còn “thua xa” một số vụ án hình sự khác. Song, nếu xét về góc độ số lượng cựu quan chức phải ra trước “vành móng ngựa” thì đây quả thực là vụ án đầu tiên chưa có tiền lệ. Có tới 2 cựu thứ trưởng, 2 cựu phó chủ tịch cấp tỉnh và một số cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế... đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án.

Với số lượng lớn cựu quan chức phải hầu tòa cũng cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp, rằng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không hề có vùng cấm, dù người vi phạm là ai, ở vị trí nào.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Thực tế đã chứng minh lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn đúng. Cho dù trong vài năm trở lại đây, rất nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí có cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự, nhưng đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng lành mạnh, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng tin tưởng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, phiên tòa sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đang xét xử số lượng lớn các cựu quan chức là một sự mất mát đau xót lớn. Đúng, đây là sự xót xa nhưng là điều cần làm và nên làm trong bối cảnh hiện nay. Thử nghĩ, nếu như số cán bộ này không bị lôi ra ánh sáng thì làm sao bộ máy Nhà nước có thể trong sạch, khi đó người dân, doanh nghiệp vẫn phải còng lưng nộp các loại phí phi lý, ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục bị bòn rút để các bị cáo này đút đầy túi tham.

Đó là còn chưa kể nếu không xử lý số cán bộ thoái hóa biến chất này thì không thể củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Sự nghiêm minh của pháp luật chính là góp phần vào việc hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật pháp nghiêm minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO