Lực cản không vượt qua được chính mình

H.Vũ (thực hiện) 04/12/2017 09:30

Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ ra thực tế: công tác tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Chính phủ dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng hiện vẫn còn 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Nếu không mạnh dạn, quyết liệt thì bộ máy còn

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV: Thưa ông, các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 đơn vị thuộc Chính phủ, nghĩa là còn 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị . Ông nghĩ gì về thực tế này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Mỗi nước có số bộ khác nhau, nhưng các nước tiên tiến thường chỉ có 14-15 bộ. Chúng ta xây dựng một Nhà nước kiến tạo, phát triển càng phải tính đến cơ cấu tổ chức bộ máy, phải thu gọn đầu mối, từ đó mới tinh giản được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng phải trên cơ sở xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương.

Đó mới là cốt lõi, vì Nhà nước kiến tạo phát triển là làm thể chế chính sách, chiến lược tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát chứ Nhà nước không trực tiếp làm kinh tế, làm thay cho các cấp dưới, không làm những gì mà xã hội, các tổ chức khác đã làm được. Phải theo hướng như vậy thì mới gọn.

Trước đây, Bộ Nội vụ đã dự kiến xây dựng một Nghị định sáp nhập 4 sở tại các địa phương nhưng các địa phương có ý kiến là không được, cho nên lại thôi. Hay dự kiến sáp nhập 4 bộ nhưng cũng còn những ý kiến khác nhau cho nên không kết luận được. Hiện ta đang có 22 bộ ngành quản lý nhà nước, và 8 đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ.

Chúng ta phải tính lại nhưng phải trên cơ sở xác định chức năng nhiệm vụ cho rõ, các bộ ngành nào có sự chồng chéo, giao thoa lẫn nhau cùng làm nhiệm vụ thì sáp nhập như hướng đã tính là sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính vì cùng làm quản lý về nguồn lực chung, hay Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông vận tải là rất đúng.

Rồi vừa qua ở dưới ta để cho 13 tỉnh thành tách du lịch ra khỏi Sở Văn hóa thể thao du lịch thành Sở Du lịch, trong khi đang khẳng định bộ đa ngành, đa lĩnh vực là hợp lý. Đó là vấn đề đặt ra cần nghiên cứu kỹ hơn và phải chi tiết nhưng cũng phải cương quyết. Nếu không bộ máy sẽ cồng kềnh, kéo theo đội ngũ công chức tăng lên, trong khi nhiệm vụ có lúc chồng chéo giao thoa, lẫn lộn nhau, nhiều khi trách nhiệm không rõ, còn lọt công việc.

Ông nghĩ sao khi việc tinh giản biên chế đang rất chậm nhưng lại chưa có người đứng đầu bị kỷ luật vì chậm triển khai công việc này, dẫn đến không tinh giản được?

- Rất nhiều lĩnh vực, nội dung công việc đều xác định trách nhiệm của người đứng đầu, nơi nào để xảy ra những sai phạm thì phải bị xử lý nhưng gần như không xử lý ai. Nhất là tổ chức bộ máy lại càng phức tạp liên quan đến cả cấp ủy hệ thống, chứ không chỉ riêng người đứng đầu. Chỉ nêu ra, không xử lý thì rõ ràng hiệu lực, hiệu quả sẽ thấp đi.

Thưa ông, có nên đưa việc tinh giản biên chế vào chỉ tiêu để đánh giá thi đua cuối năm của các bộ ngành, địa phương?

- Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập, sau đó là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ, mới đây nhất là Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã nói rất nhiều và mạnh. Tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy phải trên cơ sở xác định lại chức năng nhiệm vụ của các bộ.

Nếu vẫn chức năng nhiệm vụ như vậy, nghĩa là Nhà nước vẫn quản hết, trực tiếp làm kinh tế, dịch vụ công, hành chính công, sự nghiệp công thì bộ máy vẫn thế. Cho nên các địa phương, bộ ngành trong kế hoạch về biên chế hàng năm đều xin tăng chứ đâu có xin giảm. Vì nhiệm vụ vẫn thế nên người ta cảm thấy nặng nề, nhiều cơ sở bảo chúng tôi không có đủ người làm, kể cả lãnh đạo không đủ người đi họp.

Như Bộ Công thương nói giảm các đơn vị nhưng lại nâng thành cục. Bộ máy của vụ chỉ 10 người nhưng cục phải mấy chục người. Nghị quyết 39 nêu rõ cơ bản các vụ trong bộ và tổng cục không có phòng nhưng thực tế vẫn có phòng vậy bộ máy sao giảm được. Chức năng nhiệm vụ vẫn thế nhưng nhiều cục, tổng cục ra đời đương nhiên bộ máy phình to, rồi nhiều giấy phép con ra đời. Như vậy làm sao Nhà nước kiến tạo phát triển được?

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó yêu cầu nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), trong đó điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Vậy đây là cơ sở để tiến tới sáp nhập một số bộ, thưa ông?

- Nghĩa là nhiệm kỳ tới cần thay đổi, không còn 22 bộ ngành, và 8 cơ quan thuộc Chính phủ nữa, phải giảm đi; phải sáp nhập như Bộ Nội vụ có đề nghị mà vẫn chưa thực hiện được, như tôi nói ở trên.

Vậy lực cản nằm ở chính trong từng ngành, nghĩa là không vượt qua được chính mình. Giờ đến cấp bộ lại càng khó hơn chưa quyết được. Sắp tới nếu không mạnh dạn, quyết liệt thì vẫn sẽ còn nhiều bộ ngành. Còn nhiều bộ ngành đương nhiên bộ máy còn cồng kềnh, đặc biệt nhiều thủ tục hành chính.

Vì cứ ra đời một tổ chức mới đương nhiên sẽ có thủ tục mới, vì có chức năng quản lý thì có quyền ra văn bản nghĩa là ra giấy phép con. Như Sở Văn hóa thể thao và du lịch chỉ có 1 văn bản, nhưng tách ra Sở Du lịch thì họ lại có quyền ra thủ tục. Tất nhiên muốn nhập thì phải rà soát một cách tổng thể chức năng, quản lý nhà nước tập trung làm cái gì trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lực cản không vượt qua được chính mình